VNPT đề xuất tạm giao UBND tỉnh/thành định giá thuê dịch vụ CNTT

(ICTPress) - “Nên chăng tạm giao quyền cho các UBND tỉnh, thành tự xác định giá thuê dịch vụ CNTT. Các địa phương có nguồn kinh phí có thể áp dụng giá hợp lý. Còn với những tỉnh thành khó khăn, doanh nghiệp có thể hỗ trợ”.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng đã nêu kiến nghị tại Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước quý I/2016 của Bộ TT&TT diễn ra hôm nay 27/4.

Chủ tịch HĐTV VNPT phát biểu tại Hội nghị

Trong quá trình triển khai triển khai các dự án liên quan đến chính phủ điện tử (CPĐT), ông Hùng cho biết VNPT gặp khó khăn trong việc định giá dịch vụ CNTT do các cơ quan nhà nước, cụ thể là các UBND tỉnh, thành phố thuê. Hiện tại, Tập đoàn cũng đã có chính sách giá cả ưu đãi đối với UBND các địa phương khó khăn.

Về danh chính ngôn thuận phải hướng dẫn của Bộ Tài chính nhưng đợi quy định rất lâu, nên chăng giao cho các UBND tỉnh/thành tự quyết. Nếu tỉnh nào có nguồn thì có thể áp dụng giá hợp lý. Tỉnh, thành gặp khó khăn DN có thể hỗ trợ. Với những địa phương khó khăn, chúng tôi có muốn thu cao cũng khó. Chưa có giá thuê, doanh nghiệp tự quyết giá sẽ không bền vững, ông Hùng nêu.

Liên quan đến việc xác định giá thuê dịch vụ CNTT, trong Nghị quyết 36a, bên cạnh việc xác định một trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện xây dựng CPĐT là đẩy mạnh triển khai hình thức thuê doanh nghiệp CNTT thực hiện dịch vụ cho thuê từng phần  hoặc thuê trọn gói, bao gồm: Phần cứng, phần mềm, đường truyền, giải pháp… để cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ cũng đã chỉ đạo rõ: “Để đảm bảo an ninh thông tin, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố được chỉ định thầu; xác định giá thuê tạm thời ngắn hạn (dưới 12 tháng) nếu chưa đủ điều kiện cần thiết để xác định giá thuê ổn định”. 

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT tại Hội nghị đã cho biết, thực hiện Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ về CPĐT cũng như Quyết định 1819 ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, hiện nay VNPT đang phối hợp với Cục Bưu điện Trung ương triển khai nâng cấp mạng cấp 1 và cấp 2 dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành nâng cấp mạng với hơn 4.000 điểm kết nối trên cả nước. Cùng với đó, VNPT cũng chỉ đạo các tỉnh, thành phố nâng cấp mạng cáp quang với khoảng 700 điểm.

Liên quan đến nội dung hợp tác cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ông Trần Mạnh Hùng cho hay, VNPT đã hợp tác với các Bộ như  Lao động Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến, tư vấn xây dựng chuyên trang Chính phủ điện tử.

Bên cạnh đó, VNPT cũng đã tư vấn xây dựng  triển khai xây dựng chính quyền điện tử  theo Nghị quyết 36a cho các địa phương. Cụ thể, VNPT đã triển khai giải pháp CPĐT do VNPT thực hiện cho nhiều UBND tỉnh thành phố như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Nam Định, Lâm Đồng, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre….

“Vừa qua, Cổng thông tin CPĐT đã đi kiểm tra và đánh giá tốt kết quả triển khai giải pháp chính phủ điện tử của VNPT tại Nam Định. Thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục phối hợp triển khai giải pháp này tới các địa phương khác”, ông Hùng cho biết.

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước TT&TT Quý I năm 2016, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cũng đã chỉ đạo Trung tâm Thông tin tích cực, chủ động đôn đốc các đơn vị trong Bộ triển khai Kế hoạch của Bộ TT&TT về thực hiện Nghị quyết 36a. Trong đó có một loạt vấn đề cần quan tâm trong giai đoạn trước mắt như: liên thông  văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ; triển khai các dịch vụ công trực tuyến; và một số cơ chế chính sách Bộ TT&TT được Chính phủ giao trong Nghị quyết 36a, ví dụ như liên quan đến vấn đề thuê dịch vụ CNTT hay các cơ chế ưu đãi, đãi ngộ phát triển nguồn nhân lực.

HM

Tin nổi bật