VNPT-I: 25 năm kết nối toàn cầu

“Chúng ta chỉ có thể tạo nên đỉnh cao khi đã có một nền tảng vững chắc, chỉ có thể tự tin hướng đến tương lai khi đã hiểu rõ về quá khứ. Từ một xuất phát điểm đầy thách thức, 25 năm qua, VNPT-I đã kiến tạo nên nhiều thành tựu, biến những ước mơ và khát vọng của thế hệ đi trước thành hiện thực. Trên vạch đích của thành công, chúng ta nhìn lại quá khứ để biết và trân trọng một thời như thế…”.

Những ngày đầu tiên của VTI

Ngày 31/3/1990, Công ty Viễn thông quốc tế, tên giao dịch quốc tế là Vietnam Telecom International (VTI) được thành lập, là đơn vị trực thuộc Tổng cục Bưu điện (sau là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam) nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) với 3 Trung tâm Viễn thông quốc tế khu vực 1, 2, 3.

Ở thời kỳ đó, ngành Bưu điện vô cùng khó khăn về vốn đầu tư do ngân sách là rất nhỏ, nếu cứ trông chờ vào nguồn vốn của Nhà nước thì chắc chắn sẽ không có bước đột phát để đi lên từ một mạng lưới viễn thông nghèo nàn, lạc hậu. Làm gì để có vốn đầu tư trở thành nỗi trăn trở của Lãnh đạo Ngành Bưu điện lúc bấy giờ.

Sau rất nhiều cân nhắc, quyết định lựa chọn viễn thông quốc tế làm khâu đột phát trong chiến lược phát triển ngành Bưu điện cho thời kỳ đổi mới đã được Lãnh đạo ngành đưa ra. Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh với nước ngoài cũng được lựa chọn như một giải pháp đột phá giúp Ngành có được những nguồn ngoại tệ lớn để đầu tư cho hạ tầng, công nghệ cũng như giúp chúng ta tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm của quốc tế. Cho đến nay thực tế đã chứng minh đó là một quyết định sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của ngành Bưu điện.

Việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với đối tác của Australia là một bước ngoặt lịch sử. Kể từ ngày Hợp đồng kinh tế gốc ký giữa Tổng cục Bưu điện và OTC vào năm 1988, phía Việt Nam đóng góp 4 triệu USD, phía Australia đóng góp 9 triệu USD để xây dựng và khai thác 2 trạm mặt đất thông tin vệ tinh tiêu chuẩn A tại Hà Nội và TP. HCM. Sau các đợt ký BCC bổ sung, mở rộng và điều chỉnh Giấy phép kinh doanh, đến hết ngày 31/3/2002, phía Australia đã đầu tư tổng cộng 237,15 triệu USD, VNPT là 90 triệu USD.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh đã cung cấp vốn đề VNPT thực hiện khoảng 500 dự án lớn nhỏ, vốn đầu tư của BCC không chỉ cung cấp cho các dự án viễn thông trong nước mà còn đầu tư tham gia xây dựng các tuyến cáp quang biển và trên đất liền. Đồng thời VNPT/VTI và Telstra đã đầu tư để mua dung lượng trên các tuyến cáp quang biển quốc tế bên ngoài lãnh thổ Việt Nam để kết nối chuyển tiếp lưu lượng điện thoại đi khắp các nước châu Á, châu Úc, châu Âu và châu Mỹ.

Trong 15 năm BCC (1998 - 2002), nhờ việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, VNPT có được một mạng lưới viễn thông tương đối hoàn hảo, rộng khắp, dung lượng lớn, cấu hình hiện đại, đồng bộ, đa phương tiện như: thông tin vệ tinh, cáp quang, hệ thống chuyển mạch hiện đại dùng báo hiệu số 7, làm cơ sở cho sự phát triển nhiều dịch vụ viễn thông quốc tế và trong nước. Đặc biệt ở giai đoạn đầu chúng ta đã giải quyết được vấn đề thông tin liên lạc đi quốc tế và từ quốc tế về Việt Nam, điều đó đã hỗ trợ tốt cho môi trường đầu tư ở Việt Nam vào những năm 90 của thế kỷ 20, góp phần tích cực vào việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Cầu nối viễn thông giữa Việt Nam với quốc tế, giúp Việt Nam nhanh chóng hội nhập toàn cầu

Ở thời điểm kết thúc BCC, từ Việt Nam đã có thể liên lạc viễn thông với 240 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Dung lượng đường truyền có thể truyền tải tương đương hơn 60.000 cuộc gọi điện thoại cùng một lúc đi quốc tế và kinh doanh các dịch vụ viễn thông khác nhau như truyền số liệu, Internet… Mạng lưới viễn thông của VNPT/VTI quản lý không những có khả năng đáp ứng nhu cầu của các đơn vị thuộc VNPT mà còn đủ mạnh để phục vụ mọi nhu cầu của các doanh nghiệp Viễn thông khác ở Việt Nam.

Nhờ quyết định mang tính lịch sử trên, mặc dù năm 1985 việc liên lạc quốc tế chủ yếu bằng vô tuyến sóng ngắn với 2 trạm mặt đất thông tin vệ tinh qua hệ thống Intersputnik do Chính phủ Liên Xô tặng, song đến nay VTI đã có hệ thống viễn thông quốc tế hoàn chỉnh với công nghệ hiện đại với 3 tổng đài quốc tế thế hệ mới NGN tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng, 03 hệ thống cáp quang biển quốc tế cập bờ tại Việt Nam (SMW3, AAG, APG), 2 vệ tinh VINASAT-1, 2 và các trạm mặt đất; Hệ thống thu phát hình quốc tế, Các hệ thống VSAT-IP…

Có thể nói viễn thông quốc tế đã trở thành cầu nối giữa Việt Nam với quốc tế và giúp Việt Nam nhanh chóng hội nhập toàn cầu. Đồng thời đây cũng là khâu đột phá tạo nền tảng phát triển cho ngành viễn thông Việt Nam.

Tháng 9/2012, nhằm định vị và phát triển thương hiệu của VNPT, cùng với các đơn vị khác trong Tập đoàn, VTI cũng chính thức đổi tên thương hiệu Công ty Viễn thông quốc tế là VTI, thành VNPT Internatipnal, viết tắt VNPT-I. Việc đổi tên thương hiệu thành VNPT-I này thể hiện được sự gắn kết với thương hiệu mẹ VNPT, giúp nâng cao hiệu quả xây dựng và phát triển thương hiệu dựa trên việc tập trung toàn bộ nguồn lực vào thương hiệu gốc VNPT. Đồng thời tên gọi mới còn thể hiện ý nghĩa VNPT-I là đầu mối duy nhất kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế của VNPT, tập trung nguồn lực, tạo tiền đề để VNPT-I phát triển lên một tầm cao mới.

Trong thời gian qua, VNPT-I đã khai trương các văn phòng đại diện của mình tại Cambodia, Myanmar, và Lào. Điều này đánh dấu bước phát triển mới của VNPT trên trường quốc tế.

25 năm đã qua với rất nhiều dấu mốc mang tính bước ngoặt trong sự phát triển của VNPT-I. Nhìn lại chặng đường phát triển đầy hào hùng nhưng cũng vô cùng khó khăn đó, mỗi người VNPT-I đều tự hào với truyền thống của đơn vị, tiếp tục cháy hết mình trong từng khoảnh khắc đưa VNPT-I tiếp tục vươn xa, tỏa rộng hơn nữa trên trường quốc tế trong thời gian tới.

VNPT-I

Tin nổi bật