Từ 1/1/2016, 4 thành phố lớn "tắt" sóng truyền hình analog

(ICTPress) - Tiếp theo việc ngừng phát sóng truyền hình analog ở Đà Nẵng vào 1/11/2015, 4 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM và Cần Thơ sẽ tiến hành ngừng phát sóng theo lộ trình Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đến năm 2020.

Tại Hội nghị triển khai truyền dẫn, phát sóng chương trình truyền hình địa phương tại khu vực Đồng bằng Sông Hồng hôm nay 6/10, Hội nghị đã quán triệt việc thực hiện ngừng phát sóng truyền hình analog tại 4 tỉnh, thành phố nêu trên từ 1/1/2016. Như vậy, chỉ còn 3 tháng để tiếp tục thực hiện nhiều công tác chuẩn bị cho việc ngừng phát sóng tại 4 thành phố.

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Thường trực Ban chỉ đạo Đề án cho biết việc thực hiện này không phải ngay lập tức tắt phát sóng các chương trình truyền hình analog, mà tắt “mềm” một số chương trình không thiết yếu, không thực hiện nhiệm vụ chính trị. Việc tắt toàn bộ sóng truyền hình analog tại 4 thành phố nêu trên sẽ từ ngày 1/4/2016.

Việc tắt sóng truyền hình analog ở 4 thành phố lớn sẽ là một vùng rất rộng, không chỉ tác động tới 4 thành phố lớn mà các vùng lân cận cũng bị ngừng phát sóng analog vì VTV1, VTV2 được phủ sóng rộng. Tại khu vực đồng bằng sông Hồng, việc tắt sóng truyền hình analog ở Hà Nội, Hải Phòng từ 1/1/2016  cũng sẽ ảnh hưởng cả một khu vực rộng lớn của đồng bằng sông Hồng, ông Hoan cho biết.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch số hóa truyền hình, thì phát sóng ở các địa phương được các nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng được cấp phép thực hiện. Công ty cổ phần truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng sông Hồng (RTB) sẽ thực hiện phát sóng ở khu vực này. Việc phát sóng số ở khu vực này mang tính chất quyết định đến thực hiện Đề án số hóa truyền hình đến năm 2020, ông Đoàn Quang Hoan khẳng định.

Để chuẩn bị thực hiện phát sóng số ở khu vực và cho Hà Nội, Hải Phòng, bà Lại Thị Bích, Thành viên HĐTV công ty RTB cho biết, trong tháng 10, công ty sẽ triển khai máy phát hình số K48 tại Hà Nội, Hải Phòng thiết lập mạng đơn tần - SFN - kênh 48 đảm bảo đúng lộ trình số hóa của Chính phủ để Ban chỉ đạo, Bộ TT&TT quyết định chấm dứt phát analog một số kênh tại Hà Nội, Hải Phòng vào ngày 31/12/2015 và chấm dứt hoàn toàn vào tháng 3/2016; Hiện nay, vùng phủ sóng của máy phát K49, công suất 15kW của công ty đã bao phủ khá nhiều tỉnh lân cận Hà Nội. Công ty RTB sẽ thực hiện phát sóng tại các tỉnh thuộc nhóm II ở khu vực đồng bằng sông Hồng trước ngày 30/6/2015, đáp ứng thời điểm tắt sóng của Đề án.

Bà Lại Thị Bích cũng cho biết, được sự đồng ý của các Đài, RTB đã thực hiện khảo sát hạ tầng của Đài PTTH Hải Phòng, Hà Nam và Bắc Ninh, trong thời gian tới công ty RTB sẽ phối hợp với các Đài địa phương để khảo sát hạ tầng và đo kiểm thực tế. Trên cơ sở số liệu về vùng phủ sóng, cường độ trường, công ty RTB sẽ khẩn trương triển khai lắp máy phát tại nhiều tỉnh để phủ sóng đồng đều tại các tỉnh nêu trên.

Các kênh truyền hình số mặt đất (DVB-T và DVB-T2) thu và xem được tại khu vực Hà Nội tính đến ngày 5/10/2015

Để thực hiện truyền dẫn phát sóng DVB-T2 ở khu vực đồng bằng sông Hồng, RTB mong muốn hợp tác với các Đài PTTH 14 tỉnh/thành với mục tiêu tận dụng tối đa nguồn lực, hạ tầng sẵn có của các đài địa phương bằng phương thức hợp tác sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật như nhà trạm, cột anten, hệ thống máy phát và nhân lực vận hành tối ưu nhất. Để đảm bảo vùng phủ sóng ổn định, an toàn, công ty RTB sẽ đặt máy phát tại trụ sở, hay cột phát sóng của 14 tỉnh/thành đồng bằng sông Hồng mà công ty có trách nhiệm truyền dẫn phát sóng. Công suất của từng máy phát, RTB sẽ tính toán sao cho hiệu quả nhất.

Chỉ đạo công tác triển khai trong thời gian truyền dẫn phát sóng số tại khu vực đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa cho biết Bộ TT&TT đã cấp phép RTB và quan điểm RTB phải hình thành kế hoạch phủ. RTB cần có kế hoạch chi tiết hơn đi làm việc với các Đài PTTH địa phương, trên cơ sở tận dụng các trang thiết bị các Đài đã đầu tư, cơ chế, nhân lực đang có của các Đài, để trao đổi trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Đề nghị các đài trên cơ sở đó để đàm phán. Các Đài nỗ lực hợp tác để phát chương trình phát trên địa phương, và có thể không chỉ phát trên một mạng mà nhiều mạng để người dân được xem.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng đề nghị Hải Phòng phải chủ động hơn trong các kế hoạch hợp tác truyền dẫn phát sóng để lúc tắt sóng analog phải làm sao để người dân vẫn xem đuợc truyền hình.

Về công tác truyền thông về Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã đề nghị các đơn vị được giao tuyên truyền chủ động trong công tác thông tin tuyên truyền, nhất là đối với Hà Nội, Hải Phòng trong thời gian tới phải bám sát thông tin tuyên truyền, tăng cường độ tuyên truyền để người dân nhận biết đi mua STB. Công tác thông tin tuyên truyền đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

 HM

Tin nổi bật