Thi đua yêu nước đóng góp phát triển vững chắc TT&TT

(ICTPress) - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã khẳng định “Phong trào thi đua yêu nước đã góp phần quan trọng vào sự phát triển ổn định vững chắc và những thành tựu to lớn của ngành TT&TT” tại Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ TT&TT đã được tổ chức trọng thể hôm nay 24/7/2015 tại Hà Nội.

Đến dự Đại hội có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng nhiều lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, các điển hình tiên tiến của Bộ TT&TT, các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT...

Những thành tựu nổi bật giai đoạn 2011 - 2015

Thấm nhuần lợi dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước là thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, kế thừa truyền thống thi đua yêu nước của dân tộc, của ngành TT&TT, những năm qua, Bộ TT&TT luôn quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng, đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức triển khai các phong trào thi đua yêu nước, để công tác thi đua khen thưởng là động lực để công chức, viên chức, người lao động toàn ngành phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, góp phần đưa ngành TT&TT liên tục phát triển vững mạnh và đóng góp ngày càng xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Đại hội (Ảnh: XL)

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ TT&TT cho biết triển khai thực hiện Chỉ thị 725 ngày 7/5/2011 của Thủ tướng về phát động phong trào thi đua phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2015, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Thi đua - Khen thưởng, các phong trào thi đua yêu nước của Bộ TT&TT đã được tổ chức và triển khai liên tục, sâu rộng tại các đơn vị và trên mọi lĩnh vực công tác. Phong trào thi đua yêu nước đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào sự phát triển ổn định vững chắc và những thành tựu to lớn của ngành TT&TT trong 5 năm qua.

Nổi bật là về báo chí, cả nước có 850 cơ quan báo, tạp chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình với 181 kênh phát thanh, truyền hình trong nước và 40 kênh truyền hình nước ngoài; trên 100 cơ quan báo điện tử, 423 mạng xã hội và hơn 1.516 trang thông tin điện tử tổng hợp được xác nhận.

Các cơ quan báo chí đã hoạt động trên khắp mọi miền trong nước và nước ngoài, góp phần thông tin tuyên truyền đến toàn xã hội đầy đủ, kịp thời, toàn diện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đưa tin chính xác, phản ánh đầy đủ, kịp thời tình hình chính trị, quốc phòng, kinh tế xã hội. Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã tập trung tuyên truyền có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường phát hiện, tôn vinh, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt, uốn nắn những cách nhìn lệch lạc, phản ánh tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, phản ánh hình ảnh thân thiện, tươi đẹp của Việt Nam với bạn bè thế giới. Góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Hoạt động xuất bản in phát hành từng bước vào nền nếp, ổn định và phát triển. Cả nước có 63 nhà xuất bản, 1.500 cơ sở in công nghiệp, 13.700 cơ sở phát hành xuất bản phẩm. Năm 2014 đã xuất bản trên 361 triệu bản, 859 loại văn hóa phẩm với 28 triệu bản, góp phần nâng cao dân trí và làm phong phú đời sống tinh thần cho toàn xã hội.

Mạng lưới bưu chính đã từng bước được củng cố và mở rộng, phục vụ đến tận nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục hoạt động ổn định, chất lượng bảo đảm, đáp ứng nhu cầu thông tin, giao lưu văn hóa của nhân dân. Mạng lưới bưu chính công cộng hiện có hơn 12.000 điểm, trong đó có 8.1814 điểm bưu điện văn hóa xã, bán kính phục vụ bình quân 2,93 km/điểm, đảm bảo mỗi xã có 1 điểm phục vụ, 91,7% số xã trong cả nước có báo Nhân dân hàng ngày...

CNTT phát triển nhanh chóng, được ứng dụng rộng rãi trong mọi ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng vào cải cách hành chính, hợp lý hóa sản xuất nâng cao năng suất lao động, trở thành yếu tố không thể thiếu trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Công nghiệp CNTT là ngành kinh tế quan trọng tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng GDP cả nước cũng như xuất khẩu. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT đạt mức cao, năm 2014 đạt hơn 27 tỷ USD.

Hạ tầng mạng lưới viễn thông Internet tiếp tục được ổn định, thị trường viễn thông Internet phát triển lành mạnh. Việc cung cấp dịch vụ ngày càng thuận tiện. Đến nay có 24 doanh nghiệp viễn thông được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông công cộng, trên 100 doanh nghiệp được cấp phép dịch vụ viễn thông; hơn 44 triệu người sử dụng Internet (49% dân số). Tổng doanh thu viễn thông hàng năm đều tăng, riêng năm 2014 đạt 305.000 tỷ đồng. Năm 2014, viễn thông trở thành một trong những lĩnh vực phát triển bền vững. Doanh nghiệp viễn thông đứng trong tốp đầu nộp ngân sách Nhà nước.

2016 - 2020: Tiếp tục thi đua thiết thực đưa Ngành phát triển mạnh mẽ

Trình bày phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng giai đoạn 2016 - 2020, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết Bộ TT&TT tiếp tục xác định công tác thi đua, khen thưởng của ngành TT&TT giai đoạn 2016 - 2020 hướng tới 5 mục tiêu:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật, các cơ chế chính sách, qui hoạch, kế hoạch bảo đảm tính đồng bộ đầy đủ, tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của Bưu chính, Viễn thông, CNTT, báo chí và xuất bản;

- Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông và CNTT theo hướng hiện đại, đồng bộ, hiệu quả;

- Không ngừng đổi mới sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ;

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức; cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động; đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho sự phát triển của Ngành;

- Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Xây dựng tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên và các tổ chức chính trị xã hội khác vững mạnh, tiên tiến.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận CNTT, viễn thông Việt Nam đã thắng trên sân nhà trong cuộc cạnh tranh quốc tế, báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh an toàn thông tin ngày càng được đảm bảo.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Đại hội (Ảnh: Vietnamnet)

Phó Thủ tướng yêu cầu các tập thể, cá nhân ngành TT&TT tiếp tục thi đua thiết thực, vượt qua khó khăn, hạn chế, đưa ngành phát triển mạnh mẽ, giải quyết được nhiều yêu cầu mới của thực tế hội nhập, đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Tôn vinh 20 điển hình tiên tiến

Đại hội sáng nay đã tôn vinh 20 điển hình tiên tiến giai đoạn 2011 - 2015.

Tôn vinh 20 cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2011 - 2015 (Ảnh: Vietnamnet)

20 gương điển hình tiên tiến gồm: ông Nguyễn Thanh Vũ, Cục Tần số Vô tuyến điện; ông Nguyễn Phú Cường, Cục Viễn thông; Bà Hồ Thị Trâm Anh, Trường Cao đẳng CNTT Việt - Hàn; Ông Nguyễn NGọc Minh, VTC; ông Hoàng Xuân Hiếu, Trung tâm Internet Việt Nam, ông Nguyễn Duy Tuấn, Báo điện tử Vietnamnet; bà Lê Thị Thanh Đào, Vinaphone; ông Nguyễn Ngọc Chi, Viễn thông Quảng Ninh; ông Nguyễn Văn Long, Viễn thông Nghệ An; Bà Nguyễn Thị Yên Hương, Viễn thông Hà Nội; Bà Khang Thị Lỳ, Bưu điện Yên Bái; Bà HồThị Lan Hương, Bưu điện Thanh Hóa; ông Nguyễn Văn Lợi, Bưu điện TP. Hà Nội, Ông Tạ Quang Thuận, Chuyển phát nhanh BĐ tại TP. HCM; Ông Ngô Quang Thừa, Bưu điện tỉnh Kiên Giang; các ông Lê văn Huyên, Nguyễn Mạnh HIếu, Lê Văn Khoa, Tổng công ty Viễn thông MobiFone và các ông Ngô Văn Liễn, Mai Anh Chung, Cục Bưu điện Trung ương.

HM

Tin nổi bật