Sinh viên CNTT, ATTT cần kỹ năng gì để được tuyển dụng

(ICTPress) - Nhiều sinh viên từ đang theo học CNTT, An toàn thông tin (ATTT) tại các trường Đại học tại Hà Nội đã tham dự một buổi tọa đàm về  “Vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xã hội thông tin” do Cục ATTT, Bộ TT&TT tổ chức đã diễn ra tại Học viện Kỹ thuật mật mã mới đây.

Nhiều câu hỏi về kinh nghiệm học tập, cơ hội việc làm, kinh nghiệm nộp hồ sơ xin việc đã được các chuyên gia về CNTT, ATTT chia sẻ. 

Tọa đàm “Vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xã hội thông tin” diễn ra tại Học viện Kỹ thuật mật mã

Đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục ATTT đã khẳng định tầm quan trọng của ATTT trong xã hội thông tin.

Nếu như trong quá khứ, sức mạnh của một quốc gia được đo bằng sức ngựa, bằng số lượng chiến mã, bằng khả năng chinh phục đại dương, sau này là bằng khả năng chiếm lĩnh không gian, thì cho đến thời điểm hiện tại, kể từ khi máy vi tính lần đầu tiên xuất hiện, kể từ khi mạng Internet trở nên phổ biến thì sức mạnh của một quốc gia hiện nay được đo bằng khả năng chiếm lĩnh không gian mạng”.

Mục tiêu của buổi tọa đàm ngày hôm nay là khơi dậy niềm đam mê, hoài bão. Hi vọng ngày hôm nay chúng tôi có thể giúp đánh thức tiềm năng, đánh thức “người khổng lồ còn đang say ngủ” trong một vài bạn nào đó đang ngồi ở hội trường này để trong vòng 3 năm nữa, 5 năm nữa hay 10 năm nữa, các bạn sẽ có những đóng góp lớn lao cho xã hội, cho nước nhà thì chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc”, ông Dũng chia sẻ.

Một câu hỏi dường như đã phổ biến của các sinh viên dành cho các nhà tuyển dụng đã được đặt ra tại buổi Tọa đàm cho các nhà tuyển dụng là các nhà tuyển dụng tìm kiếm điều gì ở các ứng viên tìm việc?, ông Khổng Huy Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ An ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS) cho biết, mong muốn chung của VNCS cũng giống như tất cả các ngành nghề khác là các bạn phải có kiến thức nền tảng. “Tuy nhiên, kỹ năng mềm là kỹ năng cần phải trau dồi và là kỹ năng được mong muốn nhiều nhất”.

Hãy trau dồi những kỹ năng mềm như sự chuyên nghiệp, cần cù, chăm chỉ để là người phù hợp nhất. Chúng tôi tuyển những người phù hợp nhất, chứ không phải những người giỏi nhất, thậm chí không phải là người giỏi, mà là một sinh viên bình thường thôi”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Hùng nhấn mạnh rằng các bạn sinh viên nói chung và sinh viên CNTT, ATTT cần phải chuyên nghiệp. Nhiều bạn sinh viên sau khi được gửi thư thông báo đã không thể hiện tính chuyên nghiệp khi không trả lời email, gọi phỏng vấn không đến, hoặc đã xác nhận là đến nhưng đến giờ không thấy đâu.

Trong khi đó, ông Dũng chia sẻ một câu chuyện từ cuốn sách “Made in Japan”, cuốn sách do Chủ tịch hãng Sony Akio Morita viết về ông và những người sáng lập Sony, cùng những đồng nghiệp khác trong quá trình phát triển tập đoàn Sony. Trong cuốn sách có kể về câu chuyển xảy ra ở New York khi một cụ già nhìn thấy một chiếc xe Toyota đã không di chuyển được do cần gạt nước bị hỏng. Cụ đã xin trèo lên xe để sửa cài cần gạt nước đó. Cụ già đó chính là một kỹ sư ô tô của Toyota nghỉ hưu và khi nhìn thấy chiếc cần gạt nước hỏng, cụ thấy mình phải có trách nhiệm sửa chữa.

Chúng ta đang phát triển công nghiệp CNTT, các bạn sinh viên cần rèn luyện tính chuyên nghiệp, tỉ mỉ như người kỹ sư lớn tuổi kia”, ông Dũng bày tỏ.

Đông đảo các sinh viên đang theo học CNTT, ATTT tại Hà Nội đã tới dự buổi Tọa đàm

Một kỹ năng hay phẩm chất nữa được các nhà tuyển dụng chia sẻ là phải tích lũy kinh nghiệm và khổ luyện.

Ông Lê Minh Hưng, Trung tâm không gian mạng Viettel cho biết “Bạn chỉ trở thành chuyên gia khi có kinh nghiệm. Thành công không chỉ đến sau 1 đêm, mà phải ngày đêm khổ luyện.

Mỗi cá nhân cần có một con đường khác nhau để đi đến thành công trong ngành ATTT nói riêng và các ngành nghề khác nói chung, tuy nhiên một điểm chung là “cần có một số giờ bay nhất định, đâu đó khoảng 10.000 giờ bay”.

Chia sẻ thêm về quy tắc “10.000 giờ bay”, ông Dũng nói: “Không có một giấc mơ nào trở thành hiện thực nếu bạn không thức dậy để làm việc. Để thành công trong một lĩnh vực nào đó, theo thống kê khoa học, người ta có một quy tắc 10.000 giờ. Để trở thành một phi công thành thục thì bạn phải trải qua 10.000 giờ bay. Để trở thành một nhạc công thành thục, bạn phải có 10.000 giờ luyện tập trên phím đàn. Để trở thành một lập trình viên thành thục và ra được một kết quả gì đó thì bạn phải có 10.000 giờ miệt mài trên máy tính của mình”.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng chia sẻ các bạn sinh viên nên đọc nhiều, nghiên cứu về xu hướng của thế giới và trau dồi tiếng Anh.

Tiếng Anh phải tốt thì các bạn mới đọc được, tư vấn được, mới xây dựng được giải pháp để tư vấn cho khách hàng...”, ông Hùng chia sẻ.

Trong khi đó, sinh viên năm cuối ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia TP.HCM Dương Quốc Tín, một trong những sinh viên 3 năm liên tiếp giành giải Nhất trong các cuộc thi về ATTT, quán quân cuộc thi Cyber Sea Games tại Indonesia năm 2015 đã tiết lộ em vừa đến Google ở Thung lũng Silicon để phỏng vấn.

Các chuyên gia của Google đã phỏng vấn 5 vòng liên tiếp, mỗi vòng 45 phút chuyên sâu về kỹ thuật và đặt rất nhiều câu hỏi cho tới hết thời gian phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn kéo dài từ 10h sáng đến 3h chiều khá là áp lực. Việc này đòi hỏi trình độ tiếng Anh để nghe hiểu và trả lời.

Tín cũng chia sẻ các bạn sinh viên muốn tìm được việc tốt và các cơ hội học tập và việc làm “cần chuẩn bị ngay từ năm thứ nhất, thứ hai và nên xác định muốn làm gì. Thích điều gì nhất hãy theo đuổi”.

Đối với cơ hội việc làm trong lĩnh vực ATTT tại Việt Nam, Tín chia sẻ là có nhiều cơ hội từ việc kiểm thử, phân tích mã độc.

QA

Tin nổi bật