Phê duyệt “Kiến trúc Bộ TT&TT điện tử, phiên bản 1.0”

(ICTPress) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Quyết định số 2468/QĐ-BTTTT Phê duyệt “Kiến trúc Bộ TT&TT điện tử, phiên bản 1.0” (sau đây gọi là Kiến trúc Bộ điện tử). 

Kiến trúc Bộ TT&TT điện tử được ban hành với các mục tiêu: Làm căn cứ để lập kế hoạch, chương trình, dự án và thiết lập yêu cầu chức năng, kỹ thuật các hệ thống thông tin; Tạo một mô hình thống nhất định hướng cho các cơ quan thuộc Bộ xây dựng cơ quan điện tử; Hỗ trợ việc lập kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, ứng dụng CNTT và dịch vụ công trực tuyến; Nâng cao khả năng tận dụng năng lực hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu sẵn (CSDL) có thay vì xây dựng mới; Hỗ trợ việc lựa chọn các giải pháp công nghệ phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ, mức độ sẵn sàng về tài chính và nhân lực, xu thế phát triển của công nghệ.

Kiến trúc Bộ điện tử xác định mô hình liên thông nghiệp vụ, nền tảng chia sẻ, tích hợp, kênh truy nhập, cổng thông tin điện tử, các thành phần ứng dụng và CSDL, hạ tầng kỹ thuật, kết nối liên thông giữa các hệ thống, thành phần và lộ trình triển khai.

Kiến trúc Bộ điện tử sẽ gồm nhiều phiên bản. Ở phiên bản này, Kiến trúc Bộ điện tử chỉ tập trung vào các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT (không bao gồm các đơn vị đào tạo, các doanh nghiệp - DN) trong các trường hợp: 

- Xây dựng tầm nhìn, mục tiêu trong thời gian tới cho ứng dụng CNTT, phát triển Bộ TT&TT điện tử;

- Triển khai các dự án ứng dụng CNTT trong các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ TT&TT; 

- Bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp ứng dụng và CSDL của Bộ.

Các thành phần chính của Kiến trúc Bộ điện tử 

Sơ đồ tổng thể các thành phần chính của Kiến trúc Bộ điện tử

Các thành phần chính của Kiến trúc Bộ điện tử gồm: 

Người sử dụng (NSD): xác định đối tượng sử dụng phần mềm, ứng dụng, hệ thống thông tin, cổng thông tin điện tử của Bộ, bao gồm các đối tượng trong các mối quan hệ: G2G (giữa các cơ quan nhà nước - CQNN); G2E (CQNN với các cán bộ, công chức, viên chức); G2C (CQNN với người dân); và G2B (CQNN với các DN, tổ chức). Trong Sơ đồ tổng thể, người sử dụng được phân thành các nhóm: người dân; DN, tổ chức; cán bộ, công chức, viên chức;

Kênh truy nhập: là hình thức, phương tiện cung cấp, trao đổi thông tin, thực hiện dịch vụ giữa người sử dụng với Bộ, bao gồm: gặp trực tiếp người sử dụng; thư điện tử; điện thoại; máy Fax; cổng thông tin điện tử; các dịch vụ trực tuyến thực hiện qua biểu mẫu điện tử tương tác (e-form) trên cổng thông tin điện tử;

Dịch vụ cổng thông tin điện tử: cung cấp giao diện để NSD tiếp xúc trực tuyến với Bộ, truy nhập lấy thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Những dịch vụ cổng thông tin điện tử cơ bản được đề xuất bao gồm: quản lý nội dung; dịch vụ tìm kiếm; quản lý NSD; cung cấp khả năng cá nhân hóa; hỗ trợ đăng nhập một lần; hỗ trợ tích hợp; có cơ chế thông báo;

Dịch vụ công trực tuyến: là nhóm ứng dụng giúp NSD thực hiện các dịch vụ công mà Bộ cung cấp trên môi trường mạng. Các dịch vụ công trực tuyến được phân thành các mức độ 1, 2, 3, 4 theo quy định của Nghị định số 43/2011/NĐ-CP, và các lĩnh vực như Bưu chính; Viễn thông; Internet; Tần số vô tuyến điện; Báo chí; Xuất bản, In và Phát hành; Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; CNTT;

Các ứng dụng và cơ sở dữ liệu (CSDL): bao gồm các ứng dụng cần thiết cho hoạt động nội bộ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Ứng dụng trong hoạt động nội bộ bao gồm hai nhóm: cho nghiệp vụ hành chính và cho nghiệp vụ chuyên môn.

Các ứng dụng cho các nghiệp vụ hành chính của các cơ quan, đơn vị sẽ có chức năng khá giống nhau nhưng có thể quy mô, thiết kế mức chi tiết, tính thuận tiện, các phi chức năng của ứng dụng được tạo ra khác nhau, do đó trong quá trình triển khai, phụ thuộc vào khả năng tài chính, khả năng quản trị sẽ dẫn đến dùng chung các ứng dụng này. Những ứng dụng dùng chung sẽ tạo ra các CSDL dùng chung cho nhiều cơ quan, đơn vị, làm tăng khả năng chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, giữa các hệ thống.

Ngoài ra, một số ứng dụng cơ bản như thư điện tử, trao đổi văn bản điện tử dựa trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành sẽ là những hệ thống dùng chung phổ biến. Các ứng dụng sẽ tạo nên các CSDL, sẽ có CSDL của các hệ thống dùng chung, có các CSDL chia sẻ thông tin dữ liệu cho các hệ thống khác và các CSDL của những ứng dụng độc lập trong một cơ quan, đơn vị;

Nền tảng dịch vụ chia sẻ và tích hợp (LGSP): cung cấp những dịch vụ dùng chung hỗ trợ việc tích hợp các ứng dụng, dùng chung dịch vụ. Một số những dịch vụ dùng chung được đề xuất bao gồm: dịch vụ thư mục; đăng nhập một lần; xác thực và phân quyền; quản lý biểu mẫu điện tử; thanh toán điện tử, trao đổi thông tin giữa các ứng dụng dựa trên Web Service. Đi cùng với nền tảng LGSP, Kiến trúc Bộ điện tử cũng bao gồm các phần mềm lớp giữa giúp kết nối các ứng dụng, cơ sở dữ liệu,... của các hệ thống, nền tảng, hệ điều hành;

Hạ tầng kỹ thuật: bao gồm hệ thống các máy tính cá nhân của các cán bộ, công chức, viên chức, hệ thống máy chủ và các trung tâm dữ liệu, phòng máy chủ, hệ thống mạng LAN, VLAN, WAN và các đường kết nối các hệ thống, kết nối Internet. Hệ thống các mạng LAN, WAN không là những mạng vật lý độc lập, phải xác định các ứng dụng cần thiết chạy trên các mạng LAN, WAN này, về cơ bản hình thành nên mạng nội bộ của Bộ TT&TT;

Quản lý và chỉ đạo: bao gồm việc tổ chức quản lý; xác định các yêu cầu kỹ thuật và nghiệp vụ đối với các thành phần trong Kiến trúc Bộ điện tử; tuân thủ các tiêu chuẩn CNTT; thực hiện Kế hoạch triển khai; phân công, giao trách nhiệm các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong tuân thủ, duy trì, cập nhật Kiến trúc Bộ điện tử; tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn Kiến trúc Bộ điện tử. Các công việc này thực hiện từ khi chuẩn bị xây dựng cho đến khi triển khai và duy trì, cập nhật Kiến trúc Bộ điện tử sau này.

Nguyên tắc triển khai của Kiến trúc Bộ điện tử

Kiến trúc Bộ điện tử được áp dụng làm căn cứ lập, triển khai kế hoạch, chương trình, dự án ứng dụng CNTT; Ưu tiên triển khai tin học hoá các nghiệp vụ theo các tiêu chí: đã được các cấp có thẩm quyền (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng) quyết định triển khai; có tần suất sử dụng cao trong hoạt động của các đơn vị; người dân, DN có nhu cầu sử dụng nhiều;

Khi đề xuất chủ trương đầu tư hoặc tiến hành xây dựng, nâng cấp, mở rộng các hệ thống thông tin của Bộ, cần dựa trên Kiến trúc Bộ điện tử nhằm cho phép các hệ thống này khả năng dễ thích nghi với các thay đổi của nghiệp vụ, nâng cao tính kết nối (đặc biệt là giữa các hệ thống được phát triển vào thời điểm khác nhau và do các đơn vị khác nhau quản lý) đảm bảo an toàn thông tin, không bị phụ thuộc vào công nghệ; tiết kiệm chi phí do tập trung nguồn lực vào các hệ thống cốt lõi.

Cụ thể:

Đối với hạ tầng kỹ thuật, theo nguyên tắc ưu tiên triển khai tập trung máy chủ trên hạ tầng kỹ thuật, trung tâm dữ liệu của Bộ; phù hợp với các thiết kế mạng LAN và WAN;

Đối với dữ liệu, sử dụng thống nhất dữ liệu từ CSDL dùng chung, không xây dựng cấu trúc dữ liệu khác cho các dữ liệu đã được xác định trong Kiến trúc Bộ điện tử, phù hợp với dữ liệu đặc tả của Bộ; bảo đảm tính độc lập của phần mềm quản lý CSDL đối với mỗi ứng dụng triển khai; đáp ứng được việc truy vấn dữ liệu với khối lượng lớn;

Đối với hệ thống: không triển khai các hệ thống thông tin tại các cơ quan, đơn vị có chức năng tương đương các hệ thống dùng chung của Bộ; hướng đến việc các hệ thống này nằm trong một hệ thống với các ứng dụng khác, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của đơn vị, dùng chung CSDL hoặc chia sẻ dữ liệu cho các ứng dụng khác (đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến: bảo đảm kết nối, trao đổi với các hệ thống thông tin bên ngoài; hệ thống thông tin nội bộ: có thể chia sẻ thông tin với các hệ thống khác khi có yêu cầu);

Thiết lập sự kết nối, liên thông giữa các hệ thống thống tin, giữa các ứng dụng, áp dụng cơ chế đăng nhập một lần, phân quyền tập trung (đối với các hệ thống dùng chung của Bộ hoặc có đối tượng sử dụng là các cán bộ, công chức của Bộ) và sử dụng các dịch vụ, dữ liệu dùng chung do LGSP hỗ trợ. Hệ thống thông tin phải cho phép theo dõi kết quả xử lý nghiệp vụ. Các dịch vụ công trực tuyến xây dựng mới phải trên cơ sở sử dụng các quy trình dùng chung, đáp ứng các yêu cầu tin học hoá và phải được tích hợp với Cổng Thông tin điện tử của Bộ;

Đối với công nghệ: sử dụng các tiêu chuẩn tại Kiến trúc Bộ điện tử; ưu tiên công nghệ nền tảng ứng dụng Web theo xu hướng phát triển mạng Internet, thiết bị di động và điện toán đám mây, sẵn sàng ứng dụng các nền tảng, công nghệ tính toán có hiệu năng cao.

Kiến trúc Bộ Điện tử cũng xác định rõ kế hoạch triển khai các nhiệm vụ cho các cơ quan thuộc Bộ trong các năm tới nhằm hoàn thiện hạ tầng tập trung, thông tin thống nhất, thúc đẩy hành chính liên thông, chuyên ngành hợp tác, với các nhiệm vụ trọng tâm trong hai năm tới 2018 - 2019 là: Phát triển các trung tâm dữ liệu đạt chuẩn, hoàn thiện mạng WAN kết nối các cơ quan, đơn vị của Bộ và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hiện có, kết nối truy nhập Internet băng rộng tốc độ cao; xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và kết nối, tích hợp các cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ với Hệ thống hải quan một cửa quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia; sử dụng và trao đổi văn bản điện tử đồng bộ trong các cơ quan thuộc Bộ và kết nối với các cơ quan khác của Chính phủ; triển khai sử dụng rộng rãi hệ thống thông tin dùng chung; đầu tư xây dựng hệ thống thông tin và các CSDL nền tảng của Bộ TT&TT; xây dựng nền tảng dịch vụ chia sẻ và tích hợp; kết nối các hệ thống thông tin, CSDL.

Mỗi cơ quan, đơn vị thuộc Bộ được giao trách nhiệm rõ ràng để thực hiện dưới sự chỉ đạo thống nhất của Lãnh đạo Bộ TT&TT.

 Minh Anh

Tin nổi bật