Phát hành bộ tem "Bình Tây Đại Nguyên Soái" Trương Định

(ICTPress) - Nhân kỷ niệm 150 năm mất Trương Định, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam vừa phát hành bộ tem Bưu chính “Kỷ niệm 150 năm mất Trương Định (1820 - 1864)”.

Trương Định còn có tên là Trương Công Định, sinh năm 1820 tại làng Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 24 tuổi, ông theo cha là Trương Cầm, người giữa chức Chưởng lý Thủy sư vào Gia Định. Năm 1850, hưởng ứng chính sách khai hoang của triều đình, Trương Định đứng ra chiêu mộ khoảng 500 dân nghèo khai hoang lập ấp. Với công lao ấy, ông được triều đình Huế phong chức Quản cơ, hàm Lục phẩm, nên người đương thời thường gọi ông là Quản Định.

Năm 1859, khi Pháp đưa quân chiếm thành Gia Định, Trương Định đem nghĩa binh lên đóng ở Thuận Kiều để ngăn chặn. Trong quá trình lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp, Trương Định đã đánh thắng giặc Pháp ở mặt trận Thị Nghè, Cây mai… Năm 1860, dưới quyền của Tổng thống quân vụ Nguyễn Tri Phương, Trương Định tham gia giữ đồn Kỳ Hoà, được triều đình phong chức Phó lãnh binh. Sau khi đồn Kỳ Hoà thất thủ, ông cùng nghĩa binh rút về Gò Công xây dựng căn cứ kháng chiến chống Pháp. Trương Định đã tổ chức nhiều trận phục kích địch ở Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn làm cho Pháp bị tổn thất lực lượng rất nhiều.

Sau khi ký hoà ước Nhâm Tuất, triều đình Huế cắt 03 tỉnh miền Đông Nam Kỳ giao cho Pháp. Triều đình vừa phong ông chức Lãnh binh, vừa buộc ông phải chuyển đi nhậm chức ở An Giang và giải tán nghĩa quân chống Pháp. Trước sự nhu nhược của Tự Đức, Trương Định cương quyết chống lại lệnh của triều đình, ở lại Gò Công, Mỹ Tho tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân và cùng nhân dân chống Pháp. Nghĩa quân và nhân dân tôn Trương Định làm Bình Tây Đại Nguyên Soái. Trương Định từng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ lấy lau làm cờ, chặt tầm vông làm vũ khí. Dứt khoát không bao giờ ngừng chống bọn giặc cướp nước”.

Nhân dân miền Nam dân kiếm suy tôn Trương Định là: "Bình Tây Đại Nguyên Soái" để chống thực dân Pháp xâm lược năm 1861

Ông được những người chủ chiến ở triều đình, cũng như các nhân sĩ và nhân dân ủng hộ. Trương Định đã liên kết được với các lực lượng nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Đỗ Đình Thoại…cùng phối hợp tổ chức các trận đánh Pháp. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân Trương Định mở rộng từ Gò Công đến Chợ Lớn, Gia Định, từ biển Đông đến biên giới Campuchia.

 Từ căn cứ kháng chiến, nghĩa quân của Trương Định liên tục tấn công các đồn, bốt của Pháp. Lúc này, quân Pháp một mặt huy động lực lượng hùng hậu bao vây căn cứ Gò Công, một mặt dụ hàng Trương Định. Nhưng, ông vẫn một lòng chống Pháp đến cùng. Ngày 26/02/1863, Pháp mở đợt tấn công vào căn cứ nghĩa quân. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Trương Định buộc phải rút quân về Biên Hoà lập căn cứ ở Lý Nhơn và đưa một bộ phận nghĩa quân về Thủ Dầu Một - Tây Ninh để tiếp tục chiến đấu. Cuối năm 1864, trong một trận chiến tại căn cứ Tân Hoà, ông rơi vào vòng vây của quân Pháp. Do sự phản bội của Huỳnh Tấn, tên này trước kia từng theo ông chống Pháp đã rời bỏ hàng ngũ kháng chiến về làm tay sai cho Pháp. Trương Định và lực lượng nghĩa quân quyết tử chiến với giặc. Trong lúc chiến đấu, không may ông bị đạn bắn gãy xương sống. Không để rơi vào tay giặc, Trương Định rút gươm tự sát vào ngày 20/8/1864, để bảo tồn khí tiết khi tuổi đời mới 44 tuổi. Cái chết của Trương Định là tổn thất lớn đối với phong trào kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân và nhân dân ta lúc bấy giờ.

Cuộc khởi nghĩa chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược của Trương Định chỉ trong thời gian ngắn từ năm 1859 đến 1864 đã trở thành điểm son ngời sáng trong lịch sử dựng nước, giữ nước và chống ngoại xâm của dân tộc ta. Và, Trương Định đã trở thành người thủ lĩnh vĩ đại của nghĩa quân chống giặc Pháp xâm lược.

Bộ tem “Kỷ niệm 150 năm mất Trương Định (1820 -1864)" gồm 1 mẫu, giá mặt 3000 đồng, khổ 46 x 31 mm, phát hành ngày 20/8/2014 với sản lượng 1.000.000 tem cước phí được cung ứng trên mạng lưới. Bộ tem do hoạ sỹ Võ Lương Nhi, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế.

Họa sỹ Võ Lương Nhi cho biết để chuẩn bị thiết kế bộ tem này các họa sĩ thuộc Ban Tem, Tổng công ty Bưu điện đã vào Quảng Ngãi đến thắp hương tại khu tưởng niệm của Trương Định và được nghe kể rất nhiều về cuộc đời và chến công của ông. Chân dung Trương Định và toàn bộ tư liệu để thiết kế bộ tem được lấy từ bàn thờ ông ở khu tưởng niệm Quảng Ngãi.

Trương Định là người yêu nước đậm đà, khảng khái trước nghĩa lớn, đứng hàng đầu trong phong trào kháng Pháp ở Nam Kỳ. Vì vậy hình ảnh chân dung Trương Định được thiết kế như ông hòa vào rồi lại bước ra từ khu tưởng niệm của mình bằng cách chân dung chuyển sang cùng một gam màu với màu của nhà tưởng niệm niệm tạo một cảm giác thống nhất và ấm áp và hiện lên bởi đường nét môt màu đậm, cách thể hiện này khiến bố cục phía sau không bị dính mà tách khỏi phần chân dung phía trước của mẫu tem một cách mềm mại, họa sĩ Võ Lương Nhi cho biết.

Họa sỹ Võ Lương Nhi cũng cho biết phần nền phía sau là hình ảnh toàn bộ nhà tưởng niệm Trương Định ở Quảng Ngãi. Toàn bộ mẫu tem được thiết kế theo phong cách đồ họa chuyển độ đậm nhạt đều bằng cấu tạo nét. Màu xanh rêu ốc ấm và cách bố cục gợi nhớ về một quá khứ oanh  liệt hào hùng kháng chiến chống Pháp.

Minh Anh

Tin nổi bật