Phát động Giờ Lập Trình 2017: khuyến khích học sinh tạo ra những sản phẩm

(ICTPress) - Tiếp nối các hoạt động hỗ trợ Code.org triển khai chiến dịch Giờ Lập trình (Hour of Code), Microsoft phối hợp cùng Trung tâm CNTT-TT Vietnet (Vietnet-ICT) phát động Giờ Lập trình 2017 tại Việt Nam để khuyến khích thanh thiếu niên trải nghiệm và theo đuổi khoa học máy tính, từ đó chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai.

Đây là năm thứ ba liên tiếp Microsoft Việt Nam hưởng ứng chiến dịch toàn cầu này. Với chương trình này học sinh sẽ dành một giờ để học lập trình cơ bản, hưởng ứng Tuần lễ Giáo dục Khoa học Máy tính (từ 4-10/12). 

Giờ Lập trình là cơ hội để các nhà giáo dục và các tổ chức giúp học sinh trải nghiệm lập trình cơ bản thông qua các hướng dẫn miễn phí được cung cấp bởi các đối tác của chương trình. Chiến dịch này ban đầu là hoạt động một giờ giới thiệu về khoa học máy tính và được thiết kế để làm rõ khái niệm "lập trình".

Đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự nỗ lực của Microsoft nhằm thúc đẩy thế hệ trẻ sẵn sàng cho tương lai. Thanh thiếu niên ngày nay, hay lực lượng lao động trong tương lai, sẽ phải đối mặt với những thách thức không giống với bất cứ thế hệ nào trước đó do sự tiến bộ của công nghệ. Học sinh có kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) sẽ có lợi thế to lớn khi hòa mình vào thế giới số.

Các tài liệu hướng dẫn triển khai Giờ Lập trình Minecraft mới với tên gọi Hero’s Journey đã được giới thiệu vào tháng 11 tại Code.org/minecraft nhằm mục đích hỗ trợ việc triển khai các hoạt động của Giờ Lập trình năm nay. Tại chiến dịch này, các nhà giáo dục, phụ huynh và học sinh có thể dành một giờ để tìm hiểu về các khái niệm lập trình cơ bản như các vòng lặp, sửa lỗi và các nhóm lệnh chức năng, sử dụng việc lập trình dựa trên các khối lệnh trực quan. 

Khác với mọi năm, Giờ Lập trình 2017  được lồng ghép vào Sân chơi giao lưu sản phẩm CNTT của học sinh thuộc khuôn khổ chương trình YouthSpark. Thông qua việc phát động Giờ Lập Trình 2017, các học sinh được tạo cảm hứng và được tạo điều kiện học sâu hơn về lập trình và CNTT để tạo ra những sản phẩm của riêng mình.  

Các sản phẩm CNTT và Khoa học máy tính xuất sắc của học sinh, các tập thể và cá nhân sẽ được xét trao giải nhằm động viên, khích lệ và chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng. Để tìm kiếm các tài liệu hướng dẫn và đăng ký tham gia Sân chơi Giờ lập trình và giao lưu sản phẩm, các thầy cô giáo có thể truy cập digitalskill.vn. 

Chuẩn bị sẵn sàng cho thế hệ tương lai

Công nghệ đang làm thay đổi xã hội và nền kinh tế của chúng ta một cách chóng mặt, đặt ra những yêu cầu mới đối với lực lượng lao động hiện tại cũng như giới trẻ, những người sẽ sớm gia nhập lực lượng lao động trong tương lai. Theo một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 65% trẻ em học tiểu học hiện nay sẽ làm những công việc hoàn toàn mới mà hiện đang không tồn tại. 

Trong sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế nói chung và công nghệ nói riêng, Microsoft cùng với các đối tác đặt ra một sứ mệnh bắt buộc là giúp những người trẻ chuẩn bị theo đuổi nghề nghiệp trong tương lai. Ngoài những công việc sử dụng máy tính, giáo dục khoa học máy tính sẽ cung cấp các kỹ năng quan trọng mà bất kỳ lĩnh vực nào cũng yêu cầu - từ âm nhạc và thời trang, đến sản xuất, y tế và giao thông. 

Học sinh trường THCS Nguyễn Hồng Đào, TP. HCM

Bà Lê Hồng Nhi, trưởng phòng Quan hệ Cộng đồng Microsoft Việt Nam chia sẻ: "Khoa học máy tính không chỉ là lập trình. Khoa học Máy tính còn dạy sự sáng tạo, tư duy logic, lý luận phân tích và cách giải quyết các vấn đề phức tạp - những kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế số. Từ khả năng sử dụng máy tính cơ bản đến giáo dục khoa học máy tính, các kỹ năng số có thể mở ra những cơ hội giá trị hơn cho tất cả mọi người." 

Chia sẻ thêm về Giờ Lập trình, bà Ngô Minh Trang – Phó Giám đốc Vietnet-ICT có nói “Hợp tác với Microsoft trong 3 năm vừa qua để triển khai Giờ Lập trình tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đây là một chương trình hay và thiết thực, đem đển rất nhiều lợi ích cho các em học sinh tham gia. Từ trước đến nay lập trình trong tâm tưởng của những người dân Việt Nam lập trình như một thứ gì đó khá phức tạp, phải những người người có chuyên môn cao mới có thể làm được nhưng với cách tiếp cận này lứa tuổi nào cũng có thể hiểu và lập trình được, từ độ tuổi 4 đến 104 tuổi. Ở Việt Nam trong năm 2017, đã có 51000 học sinh tham gia vào chương trình, chúng tôi kỳ vọng năm nay chương trình sẽ còn thành công hơn nữa với sự tham gia của nhiều đối tác hơn”. 

Tại Châu Á, Microsoft đã tổ chức Giờ Lập trình với hơn 30 hoạt động hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận địa phương và các đối tác giáo dục dành cho tất cả học sinh, đặc biệt là đối tượng từ các cộng đồng khó khăn để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

QA

Tin nổi bật