Năm 2017, ứng dụng IPv6 Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục

(ICTPress) - Năm 2017 là năm đặc biệt của phát triển IPv6 việc sử dụng IPv6 tăng trưởng ngoạn mục, khởi sắc, nhiều tổ chức, cá nhân đã chuyển sang sử dụng IPv6.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải, Trưởng Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia tại Hội nghị triển khai công tác của Ban ngày 16/1/2018.

Thứ trưởng Bộ TT&TT tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho 4 tập thể và cá nhân đã có thành tích trong công tác thúc đẩy IPv6 năm 2017 gồm Ban công nghệ mạng - Tập đoàn VNPT, VNPT-Net, Trung tâm kỹ thuật FPT Online và ông Nguyễn Ngọc Sơn, FPT Online

Theo Trung tâm Internet quốc gia (VNNIC), thường trực của Ban Công tác, trong năm 2017, công tác thúc đẩy triển khai IPv6 của Việt Nam tiếp tục đạt được kết quả tốt.

Tỉ lệ truy cập Internet qua IPv6 của Việt Nam tăng trưởng 200%

Trong 2017, tỉ lệ ứng dụng IPv6 tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến tháng 12/2017, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 10%, đứng thứ 3 khu vực ASEAN, thứ 5 khu vực Châu Á (sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan) (nguồn APNIC) với khoảng 4.000.000 người dùng IPv6 (nguồn Cisco Lab).

Tỉ lệ triển khai IPv6 của Việt Nam (tính đến tháng 12/2017, nguồn APNIC)

 

Số lượng người dùng IPv6 (tính đến tháng 12/2017, nguồn Cisco)

Hạ tầng mạng lưới IPv6 và việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng

Hạ tầng IPv6 Việt Nam tiếp tục hoạt động ổn định. Tất cả các doanh nghiệp (DN) lớn đã kết nối với nhau qua IPv6 và mở rộng các kết nối IPv6 quốc tế. Tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ việc triển khai dịch vụ IPv6 của ba DN tiêu biểu là FPT Telecom, Tập đoàn VNPT và FPT Online và hoạt động ổn định của hệ thống mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia trên nền tảng Mạng DNS quốc gia và Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX).

Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX) có thêm 02 thành viên kết nối IPv6. Tính đến cuối năm 2017, có 13/18 ISP kết nối IPv6 với tổng lưu lượng IPv6 trao đổi qua VNIX đạt hơn 18,27 GB. Mạng máy chủ tên miền DNS quốc gia hoạt động tốt với IPv6 (5/7 cụm máy chủ hoạt động song song IPv4/IPv6). Tổng lưu lượng truy vấn IPv6 đo kiểm trên hệ thống DNS quốc gia từ ngày 01/01 – 20/12/2017 là 46.306.684.928, chiếm 25% tổng truy vấn tên miền, tăng trưởng 5,5% so với số liệu cùng kỳ năm ngoái là 19,5%.

Các DN có nhiều nỗ lực

Thường trực Ban công tác cũng đã nhấn mạnh sự nỗ lực của các DN trong  cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng. Tiêu biểu như FPT Telecom tiếp tục duy trì, mở rộng dịch vụ IPv6 cho người sử dụng. Hiện tại, FPT Telecom cung cấp dịch vụ IPv6 cho khoảng 900.000 khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định; 13 Website được chứng nhận IPv6 ready logo; Tỉ lệ truy cập ra quốc tế qua IPv6 của FPT Telecom đạt khoảng 34%, theo APNIC.

Tập đoàn VNPT là DN có kết quả triển khai IPv6 bứt phá, tiêu biểu trong những năm 2017 khi thực hiện đúng kế hoạch cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng. Tính đến tháng 12/2017, VNPT đã triển khai dịch vụ IPv6 cho hơn 700.000 thuê bao khách hàng băng rộng cố định trên 43 tỉnh/thành phố; cung cấp dịch vụ IDC hosting IPv6 cho 10 khách hàng doanh nghiệp; thử nghiệm triển khai dịch vụ 4G LTE trên nền tảng IPv6; kích hoạt 26 Website chạy IPv6. Tỉ lệ truy cập ra quốc tế qua IPv6 của Tập đoàn tăng trưởng bứt phá từ 0,03% vào tháng 01/2017 lên khoảng 6% vào cuối năm.

FPT Online/ Báo VnExpress là đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung đầu tiên ở Việt Nam chuyển đổi thành công IPv6 cho một trong những báo điện tử lớn nhất Việt Nam là vnexpress.net. FPT Online đã hoàn thành quá trình chuyển đổi sử dụng IPv6 sớm 2 năm so với Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 cũng như kế hoạch ban đầu của FPT Online gửi Ban Công tác.

Một số DN tuy chưa có kết quả triển khai IPv6 rõ rệt, nhưng đã có kế hoạch cụ thể trong việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng. Cụ thể, Tập đoàn Viettel đã triển khai IPv6 cho hạ tầng trọng yếu như DNS Hosting, hệ thống IDC, triển khai IPv6 cho một số website của các đơn vị; Tuy nhiên, Viettel vẫn chưa đẩy mạnh cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng. Trong kế hoạch năm 2018, Tập đoàn sẽ triển khai dịch vụ băng rộng cố định và dịch vụ di động.

Tổng công ty MobiFone triển khai gán nhãn IPv6 ready logo cho trang web MobiFone Fortal; Thử nghiệm thành công giai đoạn 1 cho việc cung cấp IPv6 cho các thuê bao 4G LTE. Trong năm 2018, MobiFone tiếp tục triển khai IPv6 cho mạng CNTT của MobiFone và triển khai thử nghiệm giai đoạn 2 cho dịch vụ di động 4G LTE.

Trong năm 2017, một số nhà đăng ký  đã triển khai hỗ trợ IPv6 trên hệ thống cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.vn” cho khách hàng, bao gồm: PA Việt Nam, Mắt Bão, VNPT.

Tính đến đầu tháng 12/2017, qua công tác theo dõi tổng hợp và thống kê tình hình triển khai hỗ trợ IPv6 trên các Website sử dụng tên miền “.vn” của VNNIC, Việt Nam đã có 4.000 Website dưới tên miền “.vn” hoạt động với IPv6, đây là bước tăng trưởng rất tốt so với số liệu cùng kỳ năm ngoái (khoảng 100 Website).

Theo các báo cáo của các DN và quan sát của Thường trực Ban Công tác, một số các doanh nghiệp khác tiếp tục triển khai dịch vụ IPv6 thử nghiệm và đã có kế hoạch triển khai chính thức IPv6 trong năm 2018. Theo thống kê APNIC, hiện có 41 đơn vị đã có lưu lượng IPv6. Trong đó, các DN cung cấp dịch vụ Internet lớn đều đã triển khai thử nghiệm IPv6 cho các dịch vụ tương ứng. Một số DN tiêu biểu: GMO, Bizmac, CMC, SPT, NPC, HTS, NetNam, Vinaren, CMC, Longvan, ...

Cũng theo VNNIC, trong năm 2017, việc xây dựng quy định, chính sách phục vụ cho thúc đẩy triển khai IPv6 đạt được kết quả rõ rệt, đặc biệt là đã xây dựng và đưa vào văn bản quy phạm pháp luật các quy định về triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

 Minh Anh

Tin nổi bật