Hội Truyền thông số VN là bộ phận không thể tách rời của Bộ TT&TT

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: “Đi cùng với sự đổi mới của đất nước, của nền kinh tế, Hội Truyền thông số phải là bộ phận gắn chặt không thể tách rời của Bộ TT&TT” tại Đại hội nhiệm kỳ II Hội Truyền thông số Việt Nam.

Ngày 20/5/2017, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số VN đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II (2017-2022). Đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã tới dự và phát biểu tại Đại hội. Tham dự Đại hội có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ TT&TT qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương.

Hội Truyền thông số VN được thành lập theo Quyết định số 68/QĐ-BNV ngày 25/1/2011 của Bộ Nội vụ, sự ra đời của Hội Truyền thông số VN đánh dấu sự hình thành và phát triển của một ngành truyền thông trên nền tảng công nghệ số còn hết sức mới mẻ trong lịch sử truyền thông nước ta, đồng thời cũng thức đẩy ngành nội dung số còn non trẻ của nước ta.

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Hội Truyền thông số VN nhiệm kỳ I vừa qua. Trải qua 5 năm nhiệm kỳ đầu tiên (2011- 2016), Hội Truyền thông số VN đã nỗ lực vươn lên hoàn thiện bộ máy, tạo nên sự phát triển cho lĩnh vực truyền thông số nói riêng và cộng đồng truyền thông Việt Nam nói chung.

Trong vòng 5 năm qua, Hội đã tổ chức các sự kiện, đào tạo, định hướng, bảo vệ quyền lợi của cộng đồng, người tiêu dùng và doanh nghiệp; các hoạt động nhằm thúc đẩy ngành Truyền thông số; các chiến lược xã hội hóa truyền thông số Việt Nam; giúp các hội viên nâng cao trình độ nghiệp vụ bằng cách mở các lớp huấn luyện, bồi dưỡng kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ chuyên đề về truyền thông trên nền tảng của công nghệ số, tạo điều kiện học tập, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nội dung thông tin số trong mọi mặt đời sống xã hội.

Ngoài ra, Hội cũng đã góp phần tích cực tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề lớn về chủ trương, đường lối, chính sách; chủ động đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ, truyền thông số, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; tư vấn, hỗ trợ giúp các hội viên là các tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thiết thực, phát triển khoa học và công nghệ. Đồng thời, Hội cũng đã góp phần vào hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước bằng các hoạt động thúc đẩy, thu hút đầu tư cũng như quảng bá tiềm năng truyền thông số và nội dung số Việt Nam; hỗ trợ, khuyến nghị các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động về truyền thông số và nội dung số tại Việt Nam nói riêng và lĩnh vực viễn thông, CNTT nói chung. 

Cùng với khẳng định những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng đánh giá cao Ban Chấp hành Hội Truyền thông số Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động của mình. Trên cơ sở đó đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cho hoạt động của tổ chức Hội trong nhiệm kỳ tới.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Bước sang giai đoạn mới, bên cạnh những thời cơ, khi xã hội đang rất quan tâm đến lĩnh vực truyền thông số hay rộng hơn là lĩnh vực CNTT&TT, lĩnh vực truyền thông số đã và đang góp phần tạo lập cộng đồng, thúc đẩy hoạt động của các tổ chức xã hội, nâng cao năng lực sản xuất và thương mại, tạo ra nhiều hơn của cải vật chất cho xã hội và nâng cao đời sống người dân thì chúng ta vẫn còn phải đối mặt với không ít những khó khăn thách thức trong quá trình hội nhập và phát triển. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được dự báo sẽ “vẽ lại” bản đồ kinh tế thế giới với sự vươn lên mạnh mẽ của các nước phát triển chủ yếu dựa vào công nghệ hiện đại, đổi mới và sáng tạo; còn các nước chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên sẽ dần bị tụt hậu. Sắp tới, CNTT và viễn thông phải là nền tảng, là điểm khởi đầu, đi đầu và đi cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. “Đi cùng với sự đổi mới của đất nước, của nền kinh tế, Hội Truyền thông số phải là bộ phận gắn chặt không thể tách rời của Bộ TT&TT”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết thêm, tháng 6 tới đây, Bộ TT&TT sẽ tổ chức hội thảo về vai trò của viễn thông trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đi sâu vào đời sống xã hội, các nước chỉ dựa vào khai thác tài nguyên sẽ bị tụt hậu, nếu chúng ta không thay đổi cách nghĩ, cách làm sẽ dễ bị tụt hậu rất lớn.
 
“Về phần mình, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện giúp đỡ để hoạt động của Hội Truyền thông số Việt Nam ngày càng thiết thực hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời, Bộ cũng sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm phát huy vai trò của Hội Truyền thông số Việt Nam để Hội ngày càng tham gia một cách thiết thực và hiệu quả hơn trong lĩnh vực truyền thông số nói riêng và ngành TT&TT nói chung”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.

Báo cáo tại Đại hội, ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Truyền thông số VN đánh giá: Trong nhiệm kỳ qua, Hội Truyền thông số VN đã triển khai có kết quả nhiều hoạt động quan trọng có tính chất bản lề, tạo nền móng và sự chuyển biến rõ ràng trong tổ chức và các lĩnh vực hoạt động của Hội. Hội đã tổ chức nhiều sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa lớn của đất nước; đào tạo, định hướng, bảo vệ quyền lợi cộng đồng, người tiêu dùng và doanh nghiệp; tham gia ngày càng hiệu quả vào công tác phản biện xã hội; mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại… các hoạt động nhằm thúc đẩy ngành Truyền thông số và Nội dung số, các chiến lược xã hội hóa truyền thông số Việt Nam. Đồng thời, Hội cũng giúp các hội viên nâng cao trình độ nghiệp vụ bằng cách mở các lớp huấn luyện, bồi dưỡng kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ chuyên đề về truyền thông trên nền tảng của công nghệ số, tạo điều kiện học tập, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nội dung số, nội dung thông tin số trong mọi mặt đời sống xã hội. 

Hiện tại, Hội có 8 đơn vị trực thuộc gồm: Tạp chí điện tử Viettimes; Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức Truyền thông số; Trung tâm Truyền thông và tổ chức sự kiện; Trung tâm Truyền thông ký ức người lính; Trung tâm Thông tin Truyền thông số; Viện Truyền thông Văn hóa dân tộc; Trung tâm Bản quyền; Câu lạc bộ Doanh nhân kinh tế số.
 
Trong 5 năm qua, Hội Truyền thông số Việt Nam đã rất chú trọng chăm lo công tác đào tạo, giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ trí thức khoa học công nghệ và truyền thông, nhận thức sâu sắc trách nhiệm, quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho lớp trí thức trẻ, trọng dụng, tôn vinh những người có đóng góp thiết thực và hiệu quả.
 
Hội đã tổ chức gần 100 lớp bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hội viên về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ truyền thông số với gần 4.000 học viên tham dự. Tổ chức được nhiều đoàn đi tham quan tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Trung tâm nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức truyền thông số đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo hội viên về quản trị doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
 
Mặt khác, Hội Truyền thông số VN đã tổ chức thành công nhiều sự kiện có ý nghĩa thiết thực với đời sống xã hội. Tổ chức thành công chương trình “Khoảnh khoắc Việt Nam” nhằm ghi lại các khoảnh khắc đẹp của Việt Nam, đất nước và con người với sự tham gia của hơn 2.000 nhiếp ảnh gia và hơn 10.000 bức ảnh được chọn. Hội đã tổ chức thành công ngày hội Gala Game 2015 thu hút đông đảo sự quan tâm của doanh nghiệp nội dung số…
 
Bên cạnh đó, Hội Truyền thông số VN cũng từng bước tham gia sâu rộng hơn vào việc đóng góp, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông số và nội dung số sản xuất kinh doanh, thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò phản biện xã hội. Hội luôn lắng nghe các doanh nghiệp để đề đạt, đề xuất những biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, rào cản về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp; cung cấp tư liệu, tài liệu về thị trường nội dung số nói chung và các dịch vụ, sản phẩm game online cho các cơ quan hoạch định chính sách và quản lý nhà nước như Quốc hội, Bộ Tài chính và vận động, yêu cầu đưa ra khỏi dự luật thuế tiêu thụ đặc biệt mức thuế 10% đối với game online.
 
Đồng thời, Hội cũng tích cực tham gia vào việc đề nghị đưa ra khỏi Bộ luật Hình sự 2015 điều 292 quy định tội danh “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”. Kết quả là ngày 01/9/2016, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bỏ điều 292 quy định tội danh “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”. Đây là việc làm rất cụ thể và thiết thức trên lộ trình tham gia ngày càng tích cực hơn, thể hiện vai trò phản biện xã hội của Hội Truyền thông số VN.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng làm Chủ tịch Hội truyền thông số VN

Tại Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Kiểm tra Hội Truyền thông số VN nhiệm kỳ II (2017-2022). Ban Chấp hành đã bầu đồng chí Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT giữ chức Chủ tịch Hội Truyền thông số VN nhiệm kỳ II.

Ban Chấp hành Hội Truyền thông số VN nhiệm kỳ II (2017-2022) ra mắt Đại hội

Phó Chủ tịch Hội gồm các ông: Nguyễn Xuân Cường, Trần Đăng Tuấn, Nguyễn Lâm Thanh, Bùi Sĩ Hoa, Lê Đức Sảo.

Ông Lê Đức Sảo, Phó Tổng Thư ký Hội nhiệm kỳ 2011 – 2016, Bí Thư Chi bộ Hội, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử VietTimes cũng được tín nhiệm bầu làm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Đặc biệt, Đai hội đã nghi nhận công lao, nhất trí tôn vinh ông Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhiệm kỳ I và bầu ông Lê Doãn Hợp làm Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam nhiệm kỳ II (năm 2017-2022).

HM

Tin nổi bật