Bộ Y tế công khai thông tin về trang thiết bị y tế trên mạng

(ICTPress) - Bộ Y tế công khai, minh bạch thông tin về trang thiết bị y tế trên mạng, giảm thời gian công bố, đăng ký, đề nghị cấp phép trang thiết bị y tế và tăng hiệu suất, hiệu quả và độ chính xác nhờ ứng dụng CNTT. 

Ngày 4/7/2017, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Vụ TTB&CTYT), Bộ Y tế đã tổ chức lễ bấm nút kết nối kỹ thuật Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thực hiện 9 nhóm thủ tục hành chính của Nghị định 36 ngày 15/5/2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.

Thực hiện Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã triển khai Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 quy định tại Nghị định số 36/2016/NĐ-CP theo lộ trình quy định tại Nghị định và chủ trương của Chính phủ: Giai đoạn 1, từ 1/1/2017, bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đối với 4 nhóm thủ tục tiếp nhận công bố tại Bộ Y tế, Sở Y tế và có hiệu lực từ ngày 1/7/2017; Giai đoạn 2, từ ngày 1/7/2017, bắt đầu tiếp nhận hồ sơ 5 nhóm thủ tục hành chính còn lại và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại buổi Lễ

Tại buổi Lễ kết nối kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh: “Trang thiết bị y tế là một trong các yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả của công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe toàn dân”.

Theo đó, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đề nghị các đơn vị, viên chức, công chức cơ quan Bộ Y tế quyết tâm và hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, góp phần hoàn thành kế hoạch công tác cải cách hành chính cũng như các mục tiêu chung của Ngành, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp (DN) theo tinh thần Nghị quyết số 19 năm 2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng như Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Y tế tiếp tục tìm kiếm giải pháp công nghệ phù hợp để khẩn trương xây dựng, triển khai trực tuyến tất cả các dịch vụ công của Bộ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Tin học hóa và các đại biểu bấm nút kết nối kỹ thuật

Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Bộ Y tế thực hiện 9 nhóm thủ tục hành chính về quản lý trang thiết bị y tế gồm: công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế; công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế; công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế loại B, C, D; công bố tiêu chuẩn áp dụng trang thiết bị y tế loại A; công bố cơ sở đủ điều kiện thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế; công bố đủ điều kiện thực hiện dịch vụ tư vấn về kỹ thuật trang thiết bị y tế; thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế; nhóm các thủ tục cấp số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế; nhóm các thủ tục cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do cho trang thiết bị y tế.

Cụ thể, từ 1/7/2017, hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 sẽ được triển khai cho tất cả 9 nhóm thủ tục trên, trong đó có 3 nhóm thủ tục hành chính được thực hiện tại Sở Y tế các tỉnh, thành phố gồm: công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế; công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế loại B,C, D và công bố tiêu chuẩn áp dụng trang thiết bị y tế loại A. Các nhóm thủ tục còn lại được thực hiện tại Bộ Y tế và kết nối cổng thông tin Hải quan một cửa Quốc gia đối với các thủ tục theo kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ TTB&CTYT, với hệ thống dịch vụ này, quy trình tiếp nhận hồ sơ công bố, đăng ký, đề nghị cấp phép được đơn giản hoá, công khai, minh bạch và tiện lợi cho các doanh nghiệp tham gia. Các tổ chức, cá nhân thực hiện khai báo và gửi hồ sơ liên quan đến quy định quản lý trang thiết bị y tế lên hệ thống và thực hiện thanh toán lệ phí trực tiếp mà không phải đến cơ quan quản lý nộp hồ sơ và chờ đợi như cách làm sử dụng hồ sơ giấy trước đây, các công đoạn hoàn toàn được thực hiện qua mạng và qua hệ thống ngân hàng thương mại. 

DN cũng có thể theo dõi được các giai đoạn xử lý và tình trạng hồ sơ mà đơn vị mình đã nộp, nhằm tiết kiệm thời gian, công sức và kinh tế cho người dân và DN.

Về phía cán bộ tiếp nhận hồ sơ, cũng sẽ sơ dễ dàng kiểm tra, thẩm định các hồ sơ trên hệ thống và nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong hoạt động xử lý hồ sơ. Hơn nữa, toàn bộ hồ sơ được quản lý tập trung, đảm bảo tính chính xác, bảo mật và dễ dàng tra cứu, theo dõi phục vụ mục tiêu quản lý.

Với những ưu điểm của hệ thống, bà Phạm Thị Thu Hà, đại diện cho công ty Siemens Y tế Việt Nam cho biết việc áp dụng CNTT vào 9 nhóm thủ tục này kể từ ngày đầu tiên được phép nộp hồ sơ theo Nghị định số 36 (tức ngày 1/1/2017) đã giúp giảm đáng kể khối lượng công việc, thời gian công sức và tiền bạc cho DN.

Nếu không có hệ thống CNTT này, đại diện cho Siemens Y tế Việt Nam cho biết sẽ phải tuyển dụng gấp đôi số nhân viên hiện tại nếu hồ sơ phải nộp bản in. Hồ sơ nộp qua trực tuyến cũng đảm bảo tính minh bạch, công khai, dễ dàng trong truy xuất, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính. Đây là điều mà các công ty nước ngoài vô cùng quan tâm và đánh giá cao.

Được biết trước đó, Bộ Y tế đã triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trong hoạt động cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế từ tháng 11/2015. Đến nay, số lượng hồ sơ được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế trên hệ thống gần 7000 hồ sơ.    

Tính đến thời điểm hiện tại, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 là dịch vụ mức cao nhất, từ việc giao dịch thanh toán cho đến việc trả kết quả đều được thực hiện trực tuyến.

Minh Anh

Tin nổi bật