Ban hành Chỉ thị số 01 về công tác TT&TT năm 2017

(ICTPress) - Ngày 03/01/2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTTTT về công tác TT&TT năm 2017.

Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, ngành TT&TT đã tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh những mặt đã đạt được, công tác xây dựng, triển khai một số chương trình, đề án, văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, hoạt động thực thi quản lý nhà nước có mặt còn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. 

Năm 2017 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, để thực hiện thành công các nhiệm vụ của lĩnh vực thông tin và truyền thông, góp phần xây dựng Chính phủ và hệ thống hành chính liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ TT&TT yêu cầu toàn Ngành cần làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh việc thực thi quản lý nhà nước trên các lĩnh vực (gồm: Báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại; Xuất bản, in và phát hành; Bưu chính; Viễn thông, Internet và tần số vô tuyến điện; Công nghệ thông tin); Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo; Hoàn thiện và hướng dẫn thực hiện mô hình tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương sau khi Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TT&TT được Chính phủ ban hành; Cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực; Đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, công nghệ và hợp tác, hội nhập quốc tế...

Tăng cường quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản

Chỉ thị nhấn mạnh, nhiệm vụ của các đơn vị như Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại, Vụ Thông tin cơ sở: Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ quan báo chí, hoạt động thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại; Tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, tuyên truyền và nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam, công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch qua đó xây dựng lòng tin của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử: Triển khai Luật Báo chí; Thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Tiếp tục chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm quy định của Luật Báo chí; Quản lý các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và trò chơi điện tử trực tuyến theo đúng các quy định hiện hành.

Vụ Thông tin cơ sở: Triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới; Quy chế của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động thông tin cơ sở.

Cục Thông tin đối ngoại: Triển khai Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại; thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020. Tổng kết việc thực hiện Kế hoạch thông tin đối ngoại của Chính phủ giai đoạn 2015-2017.

Cục Xuất bản, in và phát hành: Tập trung triển khai thực hiện Luật Xuất bản và Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà xuất bản, các cơ sở in, phát hành; tăng cường các giải pháp giải quyết tình trạng in lậu, hàng giả trong hoạt động xuất bản.

Triển khai hiệu quả Quyết định 45 của Thủ tướng Chính phủ

Cũng theo Chỉ thị 01, Vụ Bưu chính, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan: Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Vụ Bưu chính, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Bưu điện Trung ương, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan: Triển khai thực hiện Quyết định số 55/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.

Vụ Bưu chính, Thanh tra Bộ, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị của Bộ trưởng về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

Bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông

Liên quan lĩnh vực viễn thông, Internet và tần số vô tuyến điện, Chỉ thị 01 nêu rõ:

Cục Viễn thông: Quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động cạnh tranh, khuyến mại, giá cước, chất lượng dịch vụ để bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông. Tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, mua bán, lưu thông SIM di động sai quy định. Đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển thuê bao di động trả sau.

Triển khai Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020; kế hoạch đổi mã vùng điện thoại cố định; tăng cường quản lý, thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ viễn thông di động sử dụng công nghệ 4G của các doanh nghiệp.

Vụ Quản lý doanh nghiệp, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Viễn thông, Ban quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ Viễn thông công ích, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích: Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020.

Cục Tần số vô tuyến điện: Triển khai Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia; phương án sử dụng hiệu quả băng tần 2.6GH; Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020; sơ kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi Đề án.

Cục Bưu điện Trung ương: Thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành, bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn, an ninh hệ thống mạng thông tin phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước; Nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai Mạng viễn thông dùng riêng phục vụ cơ quan Đảng và Nhà nước.

Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC): Quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống kỹ thuật, dịch vụ Internet, hệ thống tên miền quốc gia và hệ thống trạm trung chuyển Internet VNIX. Tăng cường phát triển IPv6.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu hội nhập

Liên quan tới lĩnh vực CNTT, Bộ trưởng Bộ TT&TT yêu cầu Vụ CNTT: Tiếp tục triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Luật Công nghệ thông tin; Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Đề xuất các biện pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CNTT, các khu CNTT tập trung; phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT trong nước. Xây dựng Sách trắng về CNTT-TT Việt Nam.

Cục Tin học hóa: Tổ chức thực hiện đồng bộ Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Đẩy mạnh xây dựng, triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ, kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh; Đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cục An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT): Triển khai thực hiện Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành; Thực hiện các giải pháp nhằm thực thi hiệu quả hơn công tác phòng, chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; Tăng cường huấn luyện, diễn tập ứng cứu sự cố, kiểm tra, rà soát thông tin trên không gian mạng: Hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm an toàn thông tin mạng, tổ chức giám sát và ứng cứu kịp thời trước các nguy cơ, sự cố tấn công mạng; Tích cực triển khai Đề án tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn xã hội về an toàn thông tin; Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2016-2020.

Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC): Đề xuất các biện pháp quản lý, thúc đẩy ứng dụng chữ ký số và xác thực điện tử vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào nhiệm vụ tại Chỉ thị và Chương trình công tác của Bộ TT&TT, Chương trình công tác của đơn vị để thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2017. Văn phòng Bộ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ tổng hợp tình hình thực hiện để báo cáo Bộ trưởng.

Minh Anh

Tin nổi bật