Xuống chợ San Thàng

Cùng em xuống chợ San Thàng

Long lanh mắt biếc, rộn ràng trái tim

Nằm cách thị xã Lai Châu chừng 5km, trên quốc lộ 4D, cứ vào thứ 5 và Chủ Nhật hàng tuần chợ San Thàng lại rực rỡ, rộn ràng khăn áo của những cô gái, chàng trai đồng bào các dân tộc người Mông, Giáy, Dao, Thái….

Nhìn từ xa, chúng ta sẽ thấy khung cảnh của phiên chợ vùng cao thật là đẹp và sinh động. Từng đoàn người nô nức, dắt díu nhau về chợ: người đi bộ thì mang theo gùi rau, quả, lồng gà, lồng chim, con trâu, con bò; người đi xe đạp, xe máy thì ở đằng sau xe là những tải hàng hóa hay những chú lợn... còn những người khác thì xúng xính trong những bộ trang phục dân tộc từ các bản làng xa xuống chơi chợ. Tất cả có vẻ như đều rất phấn khởi, hồ hởi vì sau những ngày làm việc mệt mỏi, đến phiên chợ, họ lại được tụ họp tại đây để cùng trao đổi, thưởng thức những sản phẩm của núi rừng.

Gia đình chị Giàng Thị Trang

Hòa vào dòng người xuống chợ chúng tôi bắt chuyện được với chị Giàng Thị Trang dân tộc Mông, sinh năm 2000 mà chị đã có 2 đứa con trai, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ địu trên vai được 8 tháng, anh chồng sinh năm 1996, tay dắt đứa lớn. Cả gia đình mang theo một con chó xuống chợ bán mà cũng thật rộn ràng. Chị Trang khoe: "bán được con chó này là đủ tiền mua trâu, dành mấy vụ lúa rồi giờ mới đủ à, vụ sau là có trâu cày à".  Tôi hỏi, chị có hai đứa con rồi có định đẻ thêm nữa không? Anh chồng thì bẽn lẽn, chị Trang cười bảo sẽ đẻ thêm một đứa con gái nữa cho có nếp có tẻ, rồi sau này sẽ cho chúng nó đi học lấy cái chữ. Ở bản chị có một trường học nội trú, các thầy cô dạy chữ vui lắm.

Quanh vùng đồng bào các dân tộc tấp nập kéo về chợ phiên San Thàng. Họ phải dậy từ sáng sớm, và mang theo những sản vật kiếm được từ núi rừng hay những sản phẩm nghề truyền thống: khăn, vải, hương, ghế mây tre đan…hay chỉ đơn giả là một con vật mình nuôi được, một cái cây mình trồng được, về đem bán tại phiên chợ. Những người ở xa, cách chợ mấy chục cây số chở hàng hoá đến bằng xe máy. Còn đồng bào dân tộc cách đó khoảng chục cây số, cuốc bộ về họp chợ, trao đổi hàng hoá và mua sắm.

Nơi đây đông đúc người bán, người mua. Họ bán những gì tự sản xuất và lấy được từ thiên nhiên. Họ mua những sản phẩm thiết yếu về cho gia đình. Từ những mớ rau, củ khoai, củ sắn, lạng thịt… đến những chiếc bánh dán, bánh chay, cây mía… và cả những mảnh vải, bộ quần áo, cái kim, sợi chỉ.v.v… về cho gia đình mình.

Điều đáng nói là phiên chợ San Thàng vẫn giữ được những nét riêng biệt của một phiên chợ vùng cao. Chợ rực rỡ sắc màu trang phục truyền thống các dân tộc về họp chợ; sắc màu hoa văn lung linh trên khăn, túi, áo, quần, váy con gái người Dao, người Lự; dập dờn cánh bướm khuy áo bạc thiếu nữ Thái trắng; chúm chím nụ cười của cô gái người Mông... Náo nức, rạo rực lòng người.

Ngoài những phẩm vật được mang đến để trao đổi buôn bán, chợ San Thàng còn có những món ăn đậm đà hương vị của núi rừng Tây Bắc. Ngay cổng chợ, đã thấy ngay hương vị ngọt ngào xôi nếp tím của chị người Thái. Để nấu được món xôi có màu tím biếc, dẻo thơm này chị phải ngâm gạo trong nước của một loại lá khoảng 8 đến 9 tiếng đồng hồ, rồi phải dậy từ sáng sớm vớt ra để cho ráo và ngấm màu rồi mới đem đi đồ, và đồ làm sao để hạt xôi cứ dẻo mãi, thơm mãi vào tận trái tim người thưởng thức. Gần cuối chợ là các hàng ăn uống với đủ các món mang đặc trưng của các dân tộc. Từ bánh rán, chè đến cả phở…cũng đều có một sắc thái rất riêng biệt. Ví dụ như phở, sợi phở không dài, nhưng tròn to, ăn có vị đậm đà chân chất như tấm lòng của người dân nơi đây, cứ lưu luyến chẳng muốn rời.

Với một bộ phận đồng bào, đến chợ không vì mục đích mua bán mà để giao lưu, gặp gỡ bạn bè, đi chơi và xem cảnh đông đúc, tấp nập của chợ phiên với hàng hoá bày la liệt trong các gian hàng từ bên ngoài quốc lộ 4D vào trong chợ, đến các lối ngõ. Họ đi chơi, nhìn ngắm, và thăm lẫn hỏi nhau...

Chợ phiên San Thàng không biết đã có từ bao giờ. Nhưng đối với đồng bào các dân tộc nơi đây, trong tâm thức của họ, phiên chợ diễn ra ngoài việc mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi để gặp gỡ, giao lưu và sinh hoạt văn hoá cộng các dân tộc vùng cao. Tan chợ, bóng người khuất dần sau núi, sau cây, nhưng ai cũng thấy trong lòng một nỗi niềm khôn tả. Lưu luyến vì một ánh mắt xa xôi của cô gái Thái, bâng khuâng vì tiếng sáo của chàng trai Mông hay chỉ đơn giản là những lắng đọng hương vị ngọt ngào, nồng ấm những món ăn của đồng bào…Tất cả cứ tự nhiên gieo vào mỗi người nỗi nhớ thiết tha, trong lòng cứ thầm hẹn lần sau xuống chợ.

Hiền Anh

 

Tin nổi bật