Thi sĩ “khùng” nơi thiên hạ đệ nhất hùng quan

(ICTPress) - Trong cái nắng đứng ngọ của một ngày cuối xuân, chúng tôi đến đỉnh đèo Hải Vân - nơi mà tương truyền được vua Lê Thánh Tông phong tặng danh hiệu Thiên hạ đệ nhất hùng quan.

Vừa làm việc, vừa trò chuyện vui vẻ với chúng tôi là một người đàn ông vạm vỡ trạc tuổi 60. Ông tên là Lại Thanh Hà - người gốc Hà Nam nhưng bén duyên với vùng đất giáp ranh giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng này từ đã rất lâu. Lúc chúng tôi đến, ông đang tưới nước và chăm bón cho một khu tiểu công viên khá đẹp do mình tự tạo ra.

Thi sĩ “Khùng” vừa làm việc vừa trò chuyện

Suốt ngày làm quần quật ngoài trời, gần như không có giây phút nào trong ngày nghỉ tay nhưng tinh thần lạc quan vẫn luôn hiện hữu trên khuôn mặt và ánh mắt thân thiện, hiếu khách của người đàn ông này. Ông yêu quý đỉnh đèo này như chính bản thân ông. Được gợi chuyện ông mở lòng cho biết ông làm với tất cả tấm lòng và khả năng để đỉnh đèo này trở thành một thắng cảnh trong mắt du khách. Bởi vậy không ai trả lương, không một đồng trợ cấp nhưng tất cả vốn luyến ông đều đầu tư vào những tiểu công trình của công viên đỉnh đèo.

Những công trình hay ý tưởng công trình mà ông đã dày công thực hiện có thể kể như công trình chặn dòng lũ để thay đổi hướng chảy từ dòng suối nguồn nhằm chống sạt lở vách trên đoạn đèo cùi chỏ, hố tiêu năng giúp hạn chế tối đa sức công phá của nước ở các dòng suối có độ dốc lớn, chống sạt lở; biển hiệu cấm lửa bằng bài thơ vui: “Anh cứ hôn em với đỉnh đèo. Đừng làm lửa cháy, điều thuốc rơi. Ở nơi cây lá xanh tươi ấy. Lửa cháy thiêu em rất nhẹ nhàng”. Đọc bài thơ này, nhiều thanh niên phải dụi điếu thuốc đang cháy trên tay đi khi tham quan khu vực rừng già Hải Vân.

Ông nói vui là đã có lúc 2 tỉnh “giành” ông để… xử phạt. Chuyện là lúc đó ông đào xới khu vực đỉnh đèo để cải tạo dòng chảy nên chính quyền địa phương sợ ông xâm phạm khu vực du lịch. Vậy là họ mời ông lên để làm việc nhưng vì vùng giáp ranh nên cả 2 xã của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế đều mời. Sau đó thì chính quyền đã hiểu được ý tưởng tốt đẹp của ông, đặc biệt những cư dân sống gần khu vực rất quý mến ông.

Một góc đèo Hải Vân

Ông yêu quý từng dòng suối, từng tảng đá, từng gốc cây nơi rừng già và luôn tìm thấy trong đó sự thanh thản của tâm hồn để không ngừng xây đắp, tôn tạo cho vẻ đẹp đỉnh đèo Hải Vân càng thêm thơ mộng. Ngoài ra ông còn sưu tầm những vật dụng hằng ngày như hủ sành, cối giã gạo, cối xay bột, nơm cá để trang trí như một bảo tàng dân tộc mini cho du khách thưởng ngoạn.

Ông làm thơ rất hay. Điều đặc biệt là ông không có cuốn sổ nào để chép thơ nhưng cần đọc bài thơ nào là ông đọc ngay. Ông có khả năng ứng khẩu thành thi và không cần ghi chép gì, cứ thế nhớ mãi trong đầu và tuồn ra lúc nào vẫn được. Bài thơ “Mai em về Hải Vân đẹp lắm” của ông đã được nhạc sỹ Quỳnh Hợp phổ nhạc, với giọng ca Quang Hào đã trở thành bài hát yêu thích của nhiều người và tôi thấy trên Youtube số lượt “like” của các bạn cũng không ít.

Một góc bảo tàng dân tộc

Tự nhận mình là thi sỹ “khùng” nhưng nhiều du khách đến đây phải thán phục với tài năng của ông. Chúng tôi chỉ tiếp xúc với ông độ hơn một tiếng đồng hồ nhưng phải mất mấy lần ngắt quãng để ông hướng dẫn các đoàn du khách nước ngoài vào tham quan bằng tiếng Anh giọng bồi nhưng rất lưu loát.

Đèo Hải Vân là ngọn đèo cắt ngang dãy núi Bạch Mã (là một phần của dãy Trường Sơn chạy cắt ra sát biển) ở giữa địa giới tỉnh Thừa Thiên - Huế (phía Bắc) và TP. Đà Nẵng (phía Nam).

Theo sử liệu, trước năm 1306, vùng đất có đèo Hải Vân thuộc về hai châu Ô, Rí của vương quốc Chămpa. Sau khi được vua Chămpa là Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn Công chúa Huyền Trân đời Trần thì ngọn đèo chính là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành.

Vào thời Nguyễn, đèo Hải Vân vẫn là chỗ giáp giới giữa Thừa Thiên và Quảng Nam. Phía bắc chân núi giáp vực biển có hang Dơi, còn gọi là bãi Tiêu. Tương truyền xưa có thần sóng, thuyền đi qua đó thường bị lật chìm, nên dân gian có câu: "Đường bộ thì sợ Hải Vân. Đường thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi".

Hiện nay, mặc dù đã có hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân, và địa hình của đường đèo vẫn còn một số hiểm trở, song nhiều du khách vẫn thích đi trên con đường này để thưởng ngoạn. Vào những ngày đẹp trời, họ có thể thấy khá rõ một phần TP. Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà, Cù lao Chàm, thị trấn Lăng Cô... và những bãi cát vàng chạy dài ôm lấy mặt nước bao la trong xanh của biển.

Nhìn biển xanh từ đỉnh đèo

Để kết thúc bài viết, mời bạn đọc cùng thưởng thức bài thơ "Mai em về Hải Vân đẹp lắm" của Lại Thanh Hà (đã được nhạc sỹ Quỳnh Hợp phổ nhạc, giọng ca Quang Hào).

Mai em về Hải Vân đẹp lắm

Mai em về Hải Vân đẹp lắm,

Hầm khoan xong, đường cũng mở xong.

Bóng mây bay cứ quyện lưng đèo

Như tóc em quàng vai anh muôn ngả.

 

Mai em về ngắm Hải Vân sáng toả,

Đèo mây xanh nhiều những làn xe,

Đón em qua đường cũ hay đường hầm.

Em dừng lại ở Lăng Cô hay Liên Chiểu.

Em sẽ thấy những điều kì diệu

Của đất nước mình phát triển rất nhanh.

Đây là khu công nghiệp đô thành,

Đây là thành phố du lịch mới.

 

Mai em về nơi đây nhiều mong đợi.

Người nghỉ đông tấp nập dạo chơi.

Biển mênh mông nắng quyện mây trời.

Điện sáng rực hạt vàng chi chít.

Em có nghe gió nói gì không nhỉ?

Ngày xưa qua đây phải mất hàng ngày,

Đèo còn đọng những điều buồn đó.

Em có nghe con chim nó hót?

Muốn bay vào hầm xem đường xe chạy.

Đèo qua nhanh như giấc mơ anh./.

Trịnh Quang

Tin nổi bật