Thế giới học trò mang phong vị miền Tây sông nước

(ICTPress) - Miền Tây, hai tiếng ấy nghe thật thân thương, chân chất và đượm tình. Thật khó để ước tính có bao nhiêu trang văn đã trăn trở, thao thức, đập cùng nhịp đập với vùng đất của sông nước phù sa, bao la ruộng đồng và bốn mùa hoa trái này.

Khu biệt hơn, có thể định lượng được những tựa sách viết về các cô cậu học trò nơi đây không? Ba tác phẩm NXB Kim Đồng cho ra mắt vào tháng Ba này phần nào giúp trả lời cho câu hỏi trên.

Với Búp bê cô đơn, tác giả Hoàng Mai Quyên đã khơi đúng mạch nguồn trường lớp và sinh hoạt thường ngày của học trò miền Tây Nam bộ. 13 truyện ngắn như 13 con rạch nhỏ xinh, hòa thành dòng chảy tươi tắn, dồi dào tình tiết sống động và lấp lánh xúc cảm dễ thương tuổi mới lớn.

Văn của Hoàng Mai Quyên mạnh về chi tiết, cộng với góc nhìn tinh tế, tạo nên những câu chuyện trường lớp sống động, với những chi tiết bất ngờ (Chí Phèo của lớp, Gọng kềm phía trái, Nôn nao mùa xuân). Giọng văn nữ tính và duyên dáng cũng thật phù hợp để miêu tả các rung động dịu dàng, thoáng qua của tình yêu đầu đời (Món quà bất ngờ, Tình yêu thật lạ kì, búp bê cô đơn). Và nổi bật hơn cả, trái tim nhân hậu của người viết đã đem đến những câu chuyện lắng động, dung lượng ngắn nhưng độ âm ba dài (Cô nhỏ miệt đồng, Người miền Tây, Cô chủ nhiệm của tôi).

Trại mùa xuân lại mang đến một không khí khác. 14 truyện ngắn là liên hoàn những chi tiết sống động, được tác giả Trần Tùng Chinh thể hiện bằng giọng văn duyên dáng hóm hỉnh, có lúc tưng tửng hài hước nhưng cũng thật gần gũi mà chắc rằng phải là người làm trong nghề sư phạm, có tình yêu thương và gắn bó thiết tha với thế giới học đường mới có được (Kêu cái mà quạ kêu, Lớp học thủy cung, Chuyện khỉ, Hội diễn, Trại mùa xuân, Hẹn chiếc áo xanh).

Bạn đọc sẽ bất ngờ về một miền Tây mới lạ so với những gì đã quen thuộc trước đây. Vẫn là khung cảnh sông nước, ghe thuyền, cầu khỉ, bắt chuột đồng, mùa nước nổi… Nhưng trên cái nền đó, hiện lên chân dung một thế hệ người trẻ mới, từ thầy cô cho đến các bạn học sinh, sinh viên. Những chi tiết của đời sống hiện đại hòa trộn với nét văn hóa, nếp sinh hoạt truyền thống, đặc trưng của miền sông nước tạo nên phong vị hấp dẫn mới lạ (Facebook thầy văn, Khói đồng mùa xuân, Lý ngựa ô, Tên Dần tuổi Cọp).

Đọc rồi khẽ nhắm mắt lại, để cảm nhận rằng, ở đâu đó trong những câu chuyện của Trần Tùng Chinh, ta đang được hít thở mùi khói đốt đồng, làn gió mát rượi thổi qua mặt nước sông, và nghe đâu đây tiếng cười đùa tinh nghịch hồn hậu của những trái tim đang tuổi lớn.

Với truyện dài Chiến công siêu phàm, tác giả Mai Bửu Minh đã dựng lên một câu chuyện về “siêu anh hùng” nhí đặc chất miền Tây. Bộ ba Bi, Bo, Thảo có chuyến phiêu lưu truy tìm tung tích bọn trộm phá hoại làng xóm. Bên cạnh hành trình mang yếu tố trinh thám hồi hộp, còn có một hành trình khác: Hành trình trưởng thành của Bo. Từ chú bé nhút nhát, luôn bị anh bắt nạt, Bo đã học cách phân biệt đúng sai, biết đứng về người yếu thế, bảo vệ công lí. Cậu bé lớn lên qua từng thử thách, không phải vì sở hữu siêu năng lực, mà vì bản thân cậu là người tốt. Một người tốt thật sự không chỉ là không làm hại người khác, mà còn không làm ngơ trước cái xấu.

Chiến công siêu phàm đề cao tình bạn và tình anh em. Nếu chỉ có một mình, Bo đã chẳng thể lập được “chiến công siêu phàm”. Dù có năng lực đi nữa, cậu vẫn phải nhờ đến sự giúp sức của Thảo và anh Bi. Thảo là cô bé miền Tây nghèo khó, thật thà, nhưng rất mạnh mẽ khi cần. Bi khôn lỏi và nghịch ngợm, nhưng luôn thương yêu và bảo vệ em.

Đọc Búp bê cô đơn, Trại mùa xuân, Chiến công siêu phàm để thêm lần nữa khẳng định rằng, miền Tây là vùng đất của yêu thương, miền Tây là xứ sở của nụ cười, miền Tây là vùng đất mà văn chương có thể khai thác không bao giờ cạn kiệt.

3 tác phẩm này sẽ có mặt tại Hội sách Cần Thơ và Hội sách Quận 7 vào cuối tháng Ba tới đây. Đồng thời, các tác giả Mai Bửu Minh, Trần Tùng Chinh, Hoàng Mai Quyên và Võ Diệu Thanh (tác giả Siêu nhân cuaChúng mình bay đầy trời) sẽ có buổi kí tặng độc giả tại Hội sách Cần Thơ vào các ngày 29 và 30/3/2017.

Bảo Ngọc

Tin nổi bật