Tại sao một quốc gia sa mạc Israel lại “giàu” nước?

(ICTPress) - Israel từng phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước cùng cực kể từ khi thành lập nhà nước vào năm 1948.

Nằm ở khu vực khô hạn tự nhiên, không có nhiều mưa hay nhiều tài nguyên nước, Israel đã trải qua những căng thẳng về nguồn cung nước do nhiều năm liên tiếp xảy ra hạn hán, tốc độ tăng trưởng, và mức sống được nâng cao. Bất chấp những điều kiện như vậy, ngày nay Israel dư thừa nước, nhờ vào những giải pháp quản lý nước và công nghệ cải tiến đặc biệt.

Đây là những chia sẻ của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nhà nước Israel tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar tại buổi tọa đàm “Giải pháp của Israel cho một thế giới khát nước” và ra mắt cuốn sách “Con đường thoát hạn” được Đại sứ quán Israel tại VN, Trung tâm Hợp tác Trí tuệ VN (VICC) kết hợp với Viện Khoa học Thủy lợi VN tổ chức.

Cũng theo Đại sứ Shahar hiện Israel đã “sản xuất” hơn 20% nước hiện có, tái sử dụng 86% lượng nước thải, 65% cây ăn quả sử dụng nước được tái chế và vào năm 2025 có tới 95% lượng nước thải sẽ được tái sử dụng để tưới tiêu cho nông nghiệp.

Đại sứ Shahar tặng sách "Con đường thoát hạn" cho các đại biểu tham dự Tọa đàm

Điều gì đã làm nên thành công kỳ diệu này cho Israel? Cuốn sách “Con đường thoát hạn” của tác giả Seith. M. Siegel, luật sư, nhà hoạt động và doanh nhân người Mỹ vừa ra mắt phiên bản tiếng Việt tại Việt Nam là câu trả lời khá đầy đủ. Các bài viết của ông về nước và các vấn đề chính sách khác được đăng trên các tờ The New York Times, The Wall Street Journal, Los Angeles Times và trên các ấn phẩm hàng đầu tại châu Âu và châu Á. Siegel là Ủy viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Hoa Kỳ). Ông thường xuyên thuyết trình về nhiều đề tài, trong đó có chính sách nước…

Cuốn sách lý giải sự “giàu” nước

Bằng những nghiên cứu chi tiết với hàng trăm cuộc phỏng vấn, tác giả Seith. M. Siegel mô tả cách mà Israel đã nỗ lực vượt qua các cuộc khủng hoảng nước của riêng mình, đồng thời hỗ trợ các quốc gia khác trong việc xử lý và bảo tồn nước. Với 12 chương sách được bố cục một cách khoa học, người đọc sẽ có cảm giác như đang đọc một cuốn sách thể loại lịch sử hơn là một cuốn sách kỹ thuật, mặc dù trong cuốn sách này, kỹ thuật cũng được đề cập như là một trong những yếu tố then chốt giúp Israel thoát khỏi cuộc khủng hoảng nước.

“Con đường thoát hạn” không phải là một tiểu thuyết trinh thám nhưng cuốn sách đưa bạn từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cuốn sách mô tả nhiều kế hoạch tưởng như điên rồ nhưng lại được thực thi và tạo nên cuộc cách mạng về nước như “Đường dẫn nước quốc gia” hay những đường dẫn nước đắt đỏ được ví như “đường dẫn nước sâm banh”. Những đường ống đắt đỏ đó lại được triển khai bằng mô hình “xã hội hóa” nhằm thu hút sự đóng góp của toàn xã hội và của người Do Thái định cư ở nước ngoài cho một tầm nhìn dài hạn về quản trị nước. Có những kỹ thuật tưởng chừng như không tưởng vào những năm 1960 – 1970 của thế kỷ trước được áp dụng hiệu quả như tưới nhỏ giọt, tưới dưỡng chất, khử mặt và tái sử dụng nước thải.

Những đường ống dẫn nước tưới tiêu nhỏ giọt trên cánh đồng ngô ở Israel
85% vụ mùa của Israel được tưới tiêu bằng công nghệ nhỏ giọt

Bạn cũng có thể bất ngờ với việc người Israel bảo tồn nguồn nước mà chẳng tốn nhiều tiền bạc bằng cách tăng giá nước để giảm nhu cầu. Thậm chí có những thời điểm, người dân Israel thiếu cả nước thải để tái sử dụng vì người dân dùng nước quá tiết kiệm.

“Nước không phải là thứ miễn phí” là một thông điệp xuyên suốt toàn cuốn sách, và cũng là thông điệp ăn sâu vào nếp nghĩ của người Israel hiện nay. Người Israel luôn coi nước là một tài nguyên giá trị, thiêng liêng và trẻ em được dạy ngay từ cấp tiểu học về giá trị của tiết kiệm nước thông qua việc tắt nước vòi tắm khi đang xoa xà phòng, tắt vòi nước trong khi đánh răng, và tầm quan trọng của hệ thống xả kép cho bồn vệ sinh. Tác giả Siegel cho rằng người Israel không chỉ có một tư duy về việc trân trọng nước mà còn có một cảm giác về sự giới hạn, và chính điều đó giúp họ không phung phí nguồn nước và tiết kiệm đến từng giọt.

Kỹ năng R&D và tư duy doanh nghiệp áp dụng cho ngành nước

Israel ngày nay thường được gọi là “Quốc gia khởi nghiệp”, dựa trên cuốn sách cùng tên bán chạy của hai tác giả Dan Senor và Sau Singer. Cuốn sách lý giải đằng sau những thành công của Israel trong ngành công nghệ, trong đó phải kể đến: văn hóa doanh nghiệp, bộ máy quân sự tuyển chọn và đào tạo những bộ óc công nghệ xuất sắc nhất. Một lý do chủ đạo khác là Israel đều đặn nằm trong nhóm các quốc gia có chi phí bình quân đầu người cho R&D cao nhất. Ví dụ, năm 2013, Vương quốc Anh chi 1,6% GDP cho R&D; Mỹ 2,8%; Đức: 2,9%; Hàn Quốc 4,15%. Israel dành khoảng 4,2% cho R&D.

Cách chi tiêu này đã mang lại những thành tựu tuyệt vời. Ngày nay, hơn 250 công ty toàn cầu có cơ sở tại Israel. Nhiều công ty trong số này, như Google, Facebook, Intel, Microsoft, IBM, HP, Motorola, General Electric, Dell mở trung tâm R&D hải ngoại đầu tiên của họ tại Israel, hoặc đặt trung tâm R&D lớn nhất của mình tại nước này, hoặc ngoại trừ trung tâm R&D sở tại, họ chỉ mở duy nhất trung tâm R&D tại Israel.

Những kỹ năng R&D và tư duy doanh nghiệp đã được áp dụng vào ngành nước ở Israel. Ngành nước toàn cầu có doanh thu hàng năm là 600 tỷ USD, lớn hơn ngành công nghệ sinh học và viễn thông, và chỉ kém đôi chút so với ngành dược phẩm toàn cầu. 75% trong số doanh thu kể trên được tạo ra từ những gì có thể gọi là nước “già” hay nước “câm” gồm van, đường ống, máy bơm và từ hầu hết những gì các công ty nước làm. 25% doanh số còn lại thu được từ việc bán các sản phẩm công nghệ cao - các lĩnh vực như công nghệ, khử mặn, màng lọc, giảm thiểu rò rỉ, tưới nhỏ giọt, lọc, an ninh nước, từ van cho đến phòng kiểm soát - những thứ sẽ là tương lai của ngành nước. Ở mỗi khu vực này, Israel đều xuất chúng.

Một chia sẻ của ông Đặng Hoàng Xa, một người nghiên cứu lâu năm về Israel tại tọa đàm đã cho biết về những thành công của Israel, trong đó có thành công trong lĩnh vực nước. Ông Xa cho rằng: Bản sắc của người Do Thái làm gì cũng hay. Họ luôn luôn liều lĩnh. Tư duy của Người Do thái hơi khác biệt, họ không cầu xin và muốn là phải làm bằng được. Họ lấy nước từ nguồn không có, không hề biết. Ông Xa tâm đắc với câu nói của Cựu tổng thống Simon Peres: “Cái làm cho người Do thái đặc sắc là người ta không hài lòng với hiện tại, không thỏa mãn”. Kết luận lại, ông Xa cho rằng Người Do Thái rất liều lĩnh, táo bạo và nói đúng phải là rất điên cuồng. Theo đó họ thành công.

Nhân dịp cuốn sách "Con đường thoát hạn" xuất bản tại VN, tác giả Seith. M. Siegel cũng đã chia sẻ, cả thế giới cần biết đến câu chuyện thành công trong lĩnh vực của Israel dù là quốc gia giàu hay nghèo, dù là đang trong quá trình phát triển hay đã phát triển. Bất cứ khu vực nào cũng có thể học hỏi điều gì đó từ Israel.

Minh Anh

Tin nổi bật