Sách tư liệu giá trị về chủ quyền quốc gia VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa

(ICTPress) - Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, đã được các thế hệ người Việt Nam khai phá và gìn giữ. Điều này, không chỉ được lưu lại trong cổ sử Việt Nam, mà còn được quốc tế thừa nhận trong các tư liệu còn lưu trữ.

Trong hơn một thế kỷ qua, các nhà khoa học ở trong nước và nước ngoài quan tâm nghiên cứu và đã công bố những tư liệu đã có trong thư tịch, sách cổ, bản đồ cổ để có cơ sở khoa học và căn cứ pháp lý vững chắc nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong những năm gần đây, sau khi Trung Quốc gia tăng áp lực đối với vấn đề chủ quyền ở Biển Đông nói chung và khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nói riêng bằng việc công bố yêu sách về “đường chữ U đứt đoạn” (“đường lưỡi bò”) của họ, thì dư luận trong nước và dư luận quốc tế đã có những phản ứng quyết liệt, nhiều tranh luận học thuật, nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề chủ quyền, vấn đề pháp lý nói chung của Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được công bố.

Những nghiên cứu trên có ý nghĩa bổ sung một tư liệu quan trọng có giá trị khoa học về lịch sử, pháp lý và thực tế vững chắc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuốn sách “Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua thư tịch, tư liệu Việt Nam và nước ngoài” của tác giả PGS. TS Trương Minh Dục tập hợp và hệ thống được nguồn thư tịch, tư liệu khá phong phú, cũ và mới của Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt những tư liệu mới sưu tầm ở các địa phương được Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ giao khai thác và quản lý; những tư liệu thu thập ở nước ngoài.

Đây là việc làm cần thiết, đáp ứng được đòi hỏi của dư luận và quốc tế hiện đang quan tâm, theo dõi những diễn biến phức tạp tại khu vực hai quần đảo và Biển Đông. Những tư liệu trình bày trong cuốn sách có giá trị lịch sử và pháp lý phục vụ cho việc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nội dung cuốn sách được thể hiện thành 4 chương:

Chương 1: Vài nét về địa lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và sự tiếp cận của các tộc người Việt Nam trước thế kỷ XV

Chương 2: Chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa  qua thư tịch, tư liệu Việt Nam từ thời Hậu Lê (thế kỷ XV) đến năm 1975

Chương 3: Tư liệu nước ngoài trực tiếp và gián tiếp khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa

Chương 4: Đấu tranh để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa từ sau khi thống nhất đất nước đến nay

Ngoài ra, cuốn sách còn có phần phụ lục gồm nhiều văn bản, bản đồ, tư liệu của Việt Nam và nước ngoài.

Việc tiếp tục phát hiện những tư liệu, nhất là những tư liệu chứng minh Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ giao trách nhiệm quản lý khai thác và thực hiện chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa góp phần làm phong phú nguồn tư liệu củng cố vững chắc cơ sở lịch sử và pháp lý chủ quyền biển đảo nói chung và Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng là việc làm hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Bảo Ngọc

Tin nổi bật