Những đóa hồng can đảm nơi Trường Sa

Con tàu HQ996 đưa chúng tôi cập cảng Trường Sa trong một ngày nắng đẹp. Những xúc động, hồi hộp đã vỡ òa bởi sự đón tiếp nghiêm trang, nồng hậu của các chiến sĩ và người dân trên Đảo.

Khác với suy nghĩ trong tôi về một mảnh đất khắc nghiệt đầy nắng và gió, Trường Sa hiện lên thiêng liêng mà vẫn dịu dàng đằm thắm. Chúng tôi dường như được trở về nhà sau những ngày dài lênh đênh trên biển, thấy thân thuộc quá màu xanh của cây cỏ, mùi thơm của những công trình mới, tiếng chuông chùa ban trưa và nét rạng ngời trên khuôn mặt những người phụ nữ…

Vững vàng nơi tuyến đầu Tổ quốc

Gió biển mặn mòi không giấu được nụ cười rạng rỡ của hai mẹ con chị Bùi Thị Nhung khi tâm sự với chúng tôi: “Các anh, chị đi tàu có ai say sóng không, gia đình tôi nghe thông báo có đoàn vào thăm ra đây chờ từ sáng nè, tụi nhỏ mừng quá trời luôn vậy đó...”.  Rồi chị nở nụ cười duyên dáng khiến chúng tôi quên đi cảm giác say đất, cứ thế đi theo chị vào khu các hộ gia đình đang sinh sống trên đảo.

Trước mắt chúng tôi, những ngôi nhà khang trang, rộng và tiện nghi san sát nằm cạnh nhau. Đi theo những con đường bê tông kiên cố chúng tôi tới khu sinh hoạt, khu tăng gia sản xuất, khu vui chơi trẻ em, lớp học, khu sinh hoạt văn hóa… Những mảnh vườn xanh mướt, những khu chăn nuôi bài bản không khác gì trong đất liền. Khung cảnh khiến tôi liên tưởng tới những khu phố mới sạch và đẹp nơi đô thị nhưng ở đây dường như có nhiều cây xanh hơn. Trước tất cả những công trình sinh hoạt, giọng người phụ nữ đầy hãnh diện, tự hào, chúng tôi có thể hiểu chị yêu mảnh đất này đến nhường nào.

Giữa ngàn khơi đầy nắng và gió, giữa nơi một năm tới hơn 20 cơn bão đi qua, trong những ngôi nhà ở Trường Sa lớn luôn in hình bóng và nụ cười của những người phụ nữ. Họ với những vai trò khác nhau cùng chồng con ra Trường Sa lớn, là điểm tựa tinh thần gạt bỏ bao ưu phiền, nỗi nhớ đất liền của các chiến sĩ, vơi đi bao nhọc nhằn những ngày giông bão. Người đồng nghiệp khẽ cười khi đưa ống kính theo chân những em bé: “Trường Sa giờ không thiếu nụ cười con gái nữa rồi em nhỉ…”.

Hội trưởng Hội phụ nữ Bùi Thị Nhung chia sẻ với chúng tôi: Hội Phụ nữ ở đây đã có nhiều hoạt động nhằm động viên, hỗ trợ và thực hiện công tác tư tưởng chính trị cho chị em, cùng quân và dân trên đảo nêu cao tinh thần dân tộc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền, đồng thời khẳng định ý chí và sức mạnh và tinh thần đoàn kết quân và dân…

Các chị em ở đây dẫu hoàn cảnh đặc biệt, vất vả, khó khăn là thế nhưng chưa bao giờ thấy lựa chọn tới Trường Sa sống của mình là sai lầm. Các chị luôn tự giác và cùng chồng chấp hành tốt mọi nội quy trên đảo và không quên cập nhật mọi tin tức, thông tin về biển đảo, nhắc nhở gia đình và mọi người cùng có ý thức giữ gìn an ninh trật tự và nâng cao đời sống văn hóa. Các chị em nơi đây đều đồng lòng thực hiện mọi công việc và trách nhiệm tham gia cùng các chiến sĩ bảo vệ xây dựng đảo ngày càng giàu mạnh. Nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của bảy gia đình nhỏ.

Cô giáo Bùi Thị Nhung là tấm gương về sự hi sinh, quyết tâm vượt biển ra đảo, chấp nhận sống với thời tiết khắc nghiệt để mang kiến thức dạy các em học sinh, bù đắp cho các em phần nào vợi bớt thiệt thòi với các bạn cùng trang lứa. Một ngày lên lớp của chị khác hơn rất nhiều so với các cô giáo trên đất liền, bởi cô Nhung vừa là "hiệu trưởng", vừa là giáo viên chủ nhiệm của 5 lớp học. Cô vừa hướng dẫn nhóm lớp 1 tập viết, giao bài xong cô lại quay sang giảng toán cho nhóm học sinh lớp 2; Rồi hướng dẫn các em lớp 3, lớp 5 làm bài tập. Cô giáo Nhung cho biết, năm học 2011 - 2012 này, đảo Trường Sa Lớn có 8 cháu đến tuổi đi học. Đảo có lớp mẫu giáo, lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 5. Sau khi học xong lớp 5 các em được ra đất liền học. Để đảm bảo chất lượng dạy học, hàng ngày cô soạn giáo án đầy đủ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài giờ học chính, cô còn dành nhiều thời gian dạy các em môn tiếng Anh ở mức độ đơn giản, "để các em đỡ bị lạc hậu so với các bạn trong đất liền". Cô còn dạy tin học qua máy vi tính và hướng dẫn các em các môn học ngoại khoá như múa, hát ngoài trời, hoặc cập nhật nhiều chương trình, bài hát, điệu múa qua Internet…

Cô giáo Bùi Thị Nhung cùng gia đình

Cô giáo Nhung cũng như các chị em nơi đây vẫn luôn tự hào rằng ngay chính nơi khắc nghiệt này các chị có một mái ấm yên bình, có người chồng thương yêu vợ con hết mực. Những năm gần đây, có sóng điện thoại, có truyền hình, khoảng cách giữa đất liền và đảo đã được rút ngắn rất nhiều. Chị Trương Thị Quyên cười tươi chia sẻ: Từ ngày có điện thoại di động, có ti vi, gia đình, bà con trong đất liền có chuyện chi chúng tôi cũng thấu hiểu và chia sẻ… Khi gọi điện kêu nhớ nhà, ba má lại động viên cố gắng ở lại, rồi cứ nhiều năm trôi qua, thấy gắn bó với nơi này, nghĩ tới rời đảo về đất liền là đã cảm thấy nhớ nhớ…

Hằng ngày chị Hoa dậy thật sớm lo bữa cơm sáng cho cả nhà và chuẩn bị đi làm, thời gian rảnh, chị cùng chồng thực hiện tăng gia sản xuất, tìm hiểu giống cây trồng và vật nuôi sống tốt trên đảo  để nhân rộng, hỗ trợ và giúp các chiến sĩ có nguồn thức ăn cải thiện, đảm bảo đủ chất và ngon miệng. Bên cạnh đó, cùng với hội phụ nữ cũng có những hoạt động văn hóa văn nghệ cây nhà lá vườn, tích cực trau dồi tư tưởng chính trị và hoạt động quyết tâm bảo vệ đảo, hun đúc tinh thần của các chiến sĩ, giúp cho các anh vững tay súng và đảm bảo tinh thần giữ chắc biển đảo quê hương

Chính cuộc sống gắn kết nơi đảo và tình quân dân thắm thiết nơi đây cùng với sự quan tâm của cả nước tới Trường Sa, mảnh đất này thực sự đã nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu của các chị và người dân trên đảo.

Yêu từng ngọn rau, giọt nước

Mặc dù luôn phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt nhưng các tổ ấm luôn đầy ắp niềm vui. Tiếng bi bô, cười khúc khích và ê a học chữ của trẻ thơ làm xua tan bao nhọc nhằn sau một ngày quăng chài thả lưới. Chị Nguyễn Thị Hạnh cùng chồng là Võ Văn Trường tâm sự: “Khó có thể nói hết những khó khăn gian khổ ngày đầu ra đảo, nhưng rồi mình cứ nghĩ đến các anh bộ đội đang ngày đêm vững vàng tay súng và chồng con luôn bên cạnh, mình lại thấy yên lòng hơn. Niềm vui nhất của vợ chồng em sau ngày lao động mệt nhọc là được trở về căn nhà thân yêu của mình. Đây chính là điểm tựa để gạt bỏ bao ưu phiền, nỗi nhớ đất liền cũng vơi đi phần nào”.

Trường Sa hôm nay đã có thêm nhiều giếng nước ngọt dự trữ.

Trường Sa lớn hôm nay xanh mướt màu xanh cây cỏ và đầy đủ nước ngọt. Cẩn thận kéo từng gàu nước ngọt từ giếng lên chị Trương Thị Quyên cười nhỏ nhẹ: Ở đây mọi người luôn ý thức tiết kiệm và trân trọng từng ngọn rau, giọt nước, không ai nhắc nhở nhưng mỗi người đều tự giác thực hiện điều này như điều hiển nhiên… Những người mẹ hiền ở đây dạy các em nhỏ biết cách yêu thương, trân trọng mọi thứ ở đảo từ những việc nhỏ nhất, bởi vậy ở đây, các em nhỏ đều đóng van nước rất cẩn thận sau khi sử dụng. Các em không bao giờ xả nước bừa bãi và còn trữ nước rửa tay để tưới cây. Dẫu bố mẹ không yêu cầu, bắt buộc nhưng ngoài giờ học các em biết chủ động chăm sóc vườn rau của gia đình. Trồng rau trên đảo khó lắm, cực lắm. Muốn trồng được phải đưa đất, phân bón từ đất liền ra đảo. “Khi rau nhú mầm, nếu không che chắn thì sương muối sẽ làm rau héo ngay cô ạ” - những lời nói hồn nhiên của em Võ Viết Hiền 11 tuổi khiến chúng tôi bỗng dưng nghẹn ngào xúc động.

Chị Trần Thị Hoa chia sẻ: “Ở đây chúng tôi may mắn hơn các anh ở nhà Giàn, ở những đảo chìm còn đang khó khăn, khát nước ngọt, cứ nghĩ tới đó, ai cũng có ý thức giữ gìn không hoang phí, chúng tôi chỉ mong ở đó, các anh cũng sẽ có điều kiện như chúng tôi để các anh đỡ vất vả hơn, yên tâm hoàn thành nhiệm vụ”… Mỗi người một vai trò, một nhiệm vụ, các chị vừa là chiến sĩ, vừa là hậu phương vững chắc nơi đây mang mãi một ước nguyện “giữ cho quê hương yên bình là niềm vinh dự của chúng tôi, và chúng tôi luôn tự hào để dạy con cái mình điều đó…”.

Hạnh phúc  - những mái ấm tràn ngập tiếng cười

Giữa ngàn khơi đầy nắng và gió, 7 ngôi nhà hạnh phúc của 7 cặp vợ chồng đang sinh sống trên đảo Trường Sa minh chứng cho sự sinh tồn của một thị tứ, nơi ươm mầm những chiến sĩ hải quân tương lai, tiếp nối thế hệ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc giữa biển Đông. Và nơi đây họ, phụ nữ theo chồng ra đảo lập nghiệp đã khẳng định sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam hoàn toàn có thể sinh sống và vững vàng cầm súng nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Họ kiên cường, chấp nhận hi sinh những riêng tư, an cư lạc nghiệp và sinh sống, mang theo và giữ mãi hơi ấm đất liền về đảo. Họ là những chiến sĩ đặc biệt mang những giọt mồ hôi, mang tình yêu đất nước vô bờ vào đảo, sống và cùng các chiến sĩ bảo vệ và xây dựng đảo ngày một tươi đẹp và kiên cố hơn.  Họ là những phụ nữ kiên cường và dũng cảm, hi sinh mọi điều lớn lao để cùng chồng con vào sinh sống và làm đẹp cho Trường Sa lớn. Họ bình dị với cuộc sống thường nhật.

Những ai đã đặt chân đến Trường Sa, ngoài cảm phục những chiến sĩ kiên cường nơi tuyến đầu sóng gió, thì không thể không đến những ngôi nhà hạnh phúc của các gia đình đang sinh sống trên đảo. Luôn đầy ắp tiếng cười và ấm hơi người luôn là sự động viên tinh thần cho quân và dân trên đảo nỗ lực vượt lên khó khăn thiếu thốn để thích nghi và có cuộc sống hài hòa vượt qua mọi khó khăn.

Nhìn nụ cười êm đềm, yên bình không âu lo của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh Thúy và bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân tôi chợt ước gì tất cả những người mẹ bồng con trên đất nước này đều mang nụ cười như vậy. Chẳng phải đây chính là điều mà nhiều người luôn mơ ước, luôn hướng tới hay sao.

Bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân là cư dân đầu tiên được sinh ra ở huyện đảo Trường Sa

Chị Thúy xúc động kể lại thời khắc sinh nở trên đảo của mình bắt đầu bằng: Ơn trời nhà tôi có phúc mới được Đảng và nhân dân cả nước quan tâm. Chị vẫn nhớ như  in tiếng khóc vang của con gái bé bỏng làm trái tim người mẹ và tất cả mọi người vỡ òa xúc động không nói nên lời. Bé được sinh ra bằng phương pháp đẻ mổ. Ca mổ diễn ra trong vòng 45 phút trong điều kiện trang bị, phương tiện trên đảo khó khăn. Bé Trường Xuân ra đời trong sự đổi mới tươi đẹp của Trường Sa, như một lời khẳng định thêm sức mạnh đoàn kết xây dựng và bảo vệ huyện đảo ngày một giàu đẹp hơn của quân và dân nơi đây.

Những cây bàng vuông lá xanh ngắt mỗi ngày thêm vươn lên trong nắng. Không như cây bàng nơi đất liền có trái hình bầu dục, lõi vừa bùi vừa chát, bàng vuông cho trái vuông, hoa nở vào ban đêm. Nhờ lá dày, bản rộng nên lá bàng vuông được người dân và chiến sĩ hải quân trên đảo tận dụng dùng thay thế lá dong gói bánh chưng mỗi dịp đón xuân. Sức sống, vẻ đẹp của hoa bàng vuông được ví như tính cách, tâm hồn quân dân trên đảo. Mỗi khi hoa bàng vuông nở, các chị thường được tặng những nhành hoa đẹp nhất. Và đó là món quà thể hiện tình cảm đặc biệt của quân dân ở Trường Sa.

Những con đường xanh và sạch nơi huyện đảo Trường Sa

Đêm xuống, Trường Sa chợt lung linh và huyền ảo hơn dưới ánh sáng của đèn điện. Bước chân lên tàu đi tiếp cuộc hành trình qua  các điểm đảo, tôi vẫn còn nhớ như in nụ cười giòn tan và những câu chuyện giản dị, bình yên của các chị. Giữa mênh mông biển khơi, các chị là những bông hoa tỏa hương thơm, giữ nguyên vẹn hơi ấm đất liền xua đi bao nỗi nhớ thương quê nhà nơi Trường Sa.

 Gia An

 Phụ nữ Bưu điện

Tin nổi bật