Những chuyện chưa biết về tác giả “Những cuộc phiêu lưu kì thú của Nam tước Munchausen”

(ICTPress) - Tên tuổi của Nam tước Munchausen và những chuyến phiêu lưu “vô cùng khó kiểm chứng nhưng nghe cứ như thật” suốt hơn 200 năm qua vẫn khiến hàng triệu người trên khắp thế giới say mê. Tuy nhiên, câu chuyện về tác giả đầu tiên của cuốn sách viết về Nam tước Munchausen - Rudolf Erich Raspe thì lại chưa nhiều người biết đến.

Rudolf  Erich Raspe sinh năm 1937 tại Hannover (Đức), mất năm 1794 tại Muckross (Ai-len), là một học giả nổi tiếng tài hoa, một người thích phiêu lưu. Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học tự nhiên và ngữ văn tại đại học Göttingen và Leipzig, Raspe làm việc ở thư viện của một vài trường đại học. Ông có công lớn trong việc xuất bản thiên sử thi Ossian của James Macpherson, chuyên khảo về Di sản những bài thơ Anh cổ của Thomas Percy, ông cũng là tác giả chương 59 của Văn kiện triết học của Hội Hoàng gia London. Với những đóng góp ấy, năm 1769, ông được phong làm hội viên danh dự của Hội Khoa học Hoàng gia London - hội khoa học uy tín và lâu đời nhất thế giới.

Tuy nhiên, năm 1775, ông bị buộc tội biển thủ bộ sưu tập đá quý của một vị hầu tước ở Kassel (Đức) và phải chuyển sang Anh. Trong quá trình sống ở Anh, Raspe đã xuất bản tác phẩm nổi tiếng “Những cuộc phiêu lưu kì thú của Nam tước Munchausen”. Raspe quen biết với Nam tước Munchausen ở Göttingen, nhiều câu chuyện trong cuốn sách do Nam tước Munchausen kể lại, nhưng nhiều chuyện do chính ông thêm thắt vào.

Vào năm 1786, nhà thơ Gottfried August Bürger đã dịch tác phẩm sang tiếng Đức. Bản dịch của Bürger đã khiến cho những câu chuyện về Nam tước Munchausen trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Chính vì thế, vai trò của Raspe bị lãng quên, mãi cho tới năm 1847, cuốn tiểu sử về Bürger do Heinrich Doring viết được công bố thì công lao của Raspe mới được biết đến rộng rãi.

Ấn bản “Những cuộc phiêu lưu kì thú của Nam tước Munchausen” do Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng xuất bản lần này được dịch giả Quân Khuê chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh của tác giả Rudolf Erich Raspe.

Cuộc trò chuyện với dịch giả Quân Khuê dưới đây sẽ giúp độc giả hiểu thêm về tác phẩm này.

Những câu chuyện về Nam tước Munchausen đã được dịch và giới thiệu tại Việt Nam từ lâu. So với những bản dịch trước đó thì ấn bản do NXB Kim Đồng xuất bản lần này có điểm gì khác và mới ạ?

Quân Khuê (QK): Những câu chuyện phiêu lưu của Nam tước Munchausen (Muyn-khao-den, theo lối phiên âm trước đây) từng được chính NXB Kim Đồng ấn hành những năm 80. Tuy nhiên, đó gần như là những câu chuyện rút gọn, và nếu tôi nhớ không nhầm thì được dịch từ tiếng Nga. Bản dịch gần đây nhất của dịch giả Lê Quang do Công ty Nhã Nam phối hợp với NXB Hội Nhà văn phát hành là từ tiếng Đức, bản dịch này kết thúc ở câu chuyện săn thú bằng khuy áo, có độ dài bằng khoảng một nửa so với ấn bản này.

Có lẽ đây là đây là lần đầu tiên những mẩu chuyện về Nam tước nói khoác Munchausen xuất hiện trọn vẹn ở Việt Nam và được dịch từ nguyên bản tiếng Anh. Trong bản dịch này, có những mẩu chuyện mà người đọc tiếng Việt sẽ làm quen lần đầu: hành trình của Nam tước Munchausen ở châu Phi, xây cầu nối châu Phi với… Anh quốc, đánh nhau với Don Quixotte, đào cả kênh Suez lẫn kênh Panama bằng một cỗ xe bò, vừa đánh nhau ở Ấn Độ xong lại về ngay Pháp để giải tán nghị viện và cứu hoàng gia Pháp, tất cả đều nhờ tài trí phi thường của Nam tước! Đặc biệt, còn xuất hiện cả “bạn gái” của Nam tước, Công nương Fragrantia xinh đẹp luôn làm người đọc sững sờ vì kiểu nói chuyện đầy những liên tưởng lạ lùng.

Điều gì trong cuốn sách lôi cuốn và hấp dẫn anh nhất? Theo anh, điều gì tạo nên sức sống của tác phẩm qua nhiều thế kỉ, nhiều quốc gia, được nhiều lứa tuổi yêu thích?

QK: Trẻ em luôn yêu thích những chuyện phiêu lưu, đặc biệt những chuyện phiêu lưu được thêm thắt những yếu tố kỳ ảo hay phi thực. Mà mỗi người lớn thì đều có một đứa trẻ bên trong. Ngoài ra, Munchausen không chỉ có tài nói khoác, mà còn là một nhà châm biếm xã hội có hạng. Đó là lý do Những cuộc phiêu lưu kì thú của Nam tước Munchausen không chỉ là truyện dành cho trẻ em.

Giống như tất cả những câu chuyện cổ được ghi chép lại: Truyện cổ Andersen, Truyện cổ Grimm, Ngàn lẻ một đêm… những câu chuyện về Nam tước Munchausen được tác giả Rudolf Erich Raspe kể lại dựa vào những câu chuyện do Nam tước Munchausen - một nhân vật có thực kể lại. Theo anh, tác giả Rudolf Erich Raspe có vai trò như thế nào trong tác phẩm?

QK: Trước hết, dĩ nhiên Rudolf Erich Raspe có công văn bản hoá những giai thoại truyền miệng. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu văn bản, ông không chỉ là người tập hợp các mẩu chuyện lại, mà còn sáng tác thêm nhiều tình viết và mẩu chuyện khác, một số trong đó dựa theo, và để châm biếm, các sự kiện đương thời.

Nam tước Munchausen và tác giả Rudolf Erich Raspe đều sống ở thế kỉ 18, với bối cảnh văn hóa, lịch sử, xã hội và ngôn ngữ rất khác so với hiện nay, vậy anh có khó khăn gì trong quá trình dịch tác phẩm này?

QK: Đúng là cách hành văn và ngôn ngữ của nguyên tác khá cổ. Tuy nhiên, cũng cần nói rằng tác phẩm này ưu tiên cho câu chuyện hơn phong cách hành văn. Do vậy, một mặt, dịch tác phẩm này tương đối vất vả vì phải tra cứu kỹ, mặt khác, người dịch cũng không gặp quá nhiều thách thức về mặt phong cách. Thêm vào đó, các nguồn tài liệu trên Internet hỗ trợ cho công việc dịch thuật ngày nay rất nhiều.

Tuệ Anh (thực hiện)

Dịch giả Quân Khuê tên thật là Lâm Vũ Thao.

Văn xuôi: Thư gửi con từ phòng họp (NXB Kim Đồng, 2013)

Sách đã dịch: Thị trấn Tortilla Flat (NXB Trẻ), Những màu khác (NXB Văn học), Em làm ơn im đi, được không? (NXB Văn học), Bầy cánh cụt nhà Popper (NXB Kim Đồng), Những cuộc phiêu lưu kì thú của Nam tước Munchausen (NXB Kim Đồng).

Tin nổi bật