Nhật ký của một 'Gái Tây ế ở Hà Nội'

Carolyn Shine - người Australia - tới Hà Nội mong tìm được những điều lãng mạn. Những va đập giữa hai nền văn hóa Đông - Tây được cô ghi lại trong cuốn sách "Gái Tây ế ở Hà Nội".

Carolyn Shine sinh trưởng ở Australia, là một giảng viên âm nhạc ở Sydney. Với vai trò nhạc công, cô đã chơi với hàng chục ban nhạc, ca sĩ nổi tiếng và thực hiện nhiều album. Cô còn là một cây bút tự do, viết bài cho nhiều tờ báo, trong đó có tờ Sydney Morning Herald.

Trong phút cao hứng, Carolyn Shine chuyển đến sống tại Hà Nội vào năm 2002 với mong muốn được trải nghiệm sự lãng mạn và khám phá nền văn hóa nơi đây. Cô muốn tìm lời giải đáp cho những khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông, Tây. Cuốn du ký Single White Female in Hanoi của cô được xuất bản năm 2011 và được giới thiệu trên CNN Travel cùng năm đó. Năm 2012, Carolyn Shine qua đời vì bệnh ung thư ruột thừa.

Sách Single white famale in Hanoi.

Cuối tháng 4, cuốn sách Single White Female in Hanoi phát hành bản tiếng Việt với tên "Gái Tây ế" ở Hà Nội, khai thác góc nhìn, cuộc sống một cô gái phương Tây độc thân lần đầu đặt chân đến thành phố phương Đông xa lạ. 

Trong cuốn sách, Carolyn Shine phác họa Hà Nội những năm 2000. Môi trường sống, con người thủ đô đầu thiên niên kỷ được miêu tả qua lăng kính chân thực của một cô gái ngoại quốc cá tính, hài hước, giàu tình cảm. Đó là một cô gái cô đơn giữa đất lạ, không biết cuộc đời sẽ đưa đẩy mình về đâu. Trong 18 tháng tưởng chừng ngắn nhưng đầy biến động, Carolyn đã gặp, đã yêu thương, hy vọng, rồi thất vọng và cuối cùng tìm lại được niềm tin.

Sách "Gái Tây ế" ở Hà Nội bản tiếng Việt phát hành cuối tháng 4.

Bằng cái nhìn của một cô gái ngoại quốc, Carolyn thấy rằng đàn ông Việt Nam, đặc biệt là con trai Hà Nội, không muốn và không thể yêu phụ nữ phương Tây. Tác giả lý giải, nhiều người Việt vẫn giữ tư tưởng Nho giáo, trong đó đàn ông nên cưới vợ cùng văn hóa, các cô dâu phải nhỏ tuổi hơn chú rể. Tư tưởng trọng nam vẫn còn ảnh hưởng tới nhiều người, trong khi đó phụ nữ chỉ coi chồng con là tất cả hạnh phúc. 

Không chỉ đưa ra cái nhìn về đàn ông, phụ nữ ở thủ đô, cuốn sách còn hé ra một cánh cửa dẫn vào thế giới "Tây ba lô" vốn không quen thuộc với nhiều người Việt. Đó cũng là tâm tình của những "người Tây" giống tác giả về những cú sốc văn hóa, những hào hứng hay chán nản với mảnh đất mới.

Lam Thu

Trithucthoidai.vn

Tin nổi bật