Nam Ô - Một pho sử liệu và văn hóa độc đáo

(ICTPress) - Nam Ô là một làng thuộc phường Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng. Nằm cạnh quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam, cách trung tâm thành phố khoảng hơn 10 km về phía Tây Bắc, Làng Nam Ô hình thành song song với quá trình Nam tiến của nước Đại Việt.

Tên gọi Nam Ô chính là cửa ô phía Nam của Đại Việt thời ấy, vì vậy Nam Ô có giá trị lịch sử của quốc gia chứ không chỉ đơn thuần là một tên làng. Nơi đây đã chứa đựng một đời sống tinh thần và tâm linh khá phong phú. Đó là hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh có giá trị. Trong khu vực này có các di tích mà dân làng Nam Ô đang giữ gìn như Dinh Âm hồn, Lăng Cá Ông, Miếu Bà Liễu Hạnh…

Biển, rừng và đá hòa quyện cùng nhau

Là vùng đất được bao bọc bởi núi, sông hùng vĩ, biển cả bao la, Nam Ô được xem là nơi có phong cảnh hữu tình, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc địa phương.

Rừng nguyên sinh Nam Ô

Theo các cụ cao niên thì trong các trận chiến chống quân Pháp đánh cửa biển Đà Nẵng vào các năm 1858, 1859, 1862, quân lính triều đình của 2 đồn Nam Ô, Cu Đê và dân binh địa phương tử trận rất nhiều, nên triều đình vua Tự Đức sau đó đã có sắc dụ cho các dân xã lập âm linh để tưởng nhớ tử sĩ trận vong. Vua Thành Thái khi lên ngôi đã sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn để tưởng vọng các tử sĩ đã bỏ mình trong biến cố thất thủ kinh đô 1885. Miếu Âm Linh sau này dân làng mở rộng thờ thập loại chúng sinh, cô hồn phiêu phương và các âm hồn xiêu mồ lạc nấm của chư phái tộc họ trong làng. Điều đó thể hiện tính nhân văn sâu sắc của di tích, phù hợp với tinh thần uống nước nhớ nguồn và tinh thần nhân đạo của dân tộc ta.

Lăng Ông Ngư là di tích được xây dựng từ thời Vua Gia Long (1802), chính là văn hóa tâm linh thờ cá ông. Lúc đầu Lăng có kiến trúc như sườn gỗ, tường đá trác vôi vữa, mái lợp lá kè. Đến năm Tự Đức thứ 4 (1851) Lăng được tôn tạo to đẹp hơn. Năm Bảo Đại thứ 10 (1935), Lăng được làm mới, mái lợp ngói âm dương. Từ đó đến nay Lăng được sửa chữa gia cố nhiều lần nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, tôn nghiêm, nằm trên khuôn viên rộng chừng 360m2, cách mép nước biển khoảng 50m để dân làng tế lễ hàng năm.

Miếu Bà Liễu Hạnh gắn với tục thờ mẫu của cư dân Đại Việt trên vùng đất mới, được nhân dân làng Nam Ô lưu truyền nhiều đời. Bà Chúa Liễu Hạnh nằm trong tín ngưỡng đặc biệt của dân tộc là tục thờ "tứ bất tử" (gồm Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh). Tục thờ Bà Chúa Liễu Hạnh là một giá trị văn hóa tinh thần rất đẹp của dân tộc ta.

Về mặt cảnh quan tự nhiên, điều thu hút của Nam Ô là một nơi cửa sông Cu Đê tiếp biển, với rạn hay còn gọi là ghềnh đá tuyệt đẹp ẩn hiện trong làn sóng biển, bao bọc một khu rừng nguyên sinh đầy huyền tích của làng.

Du khách tạo cảnh bên các khối đá

Ghềnh Nam Ô chỉ rộng khoảng hơn 2ha nhưng chứa đầy những huyền tích. Điều kỳ lạ là dân làng Nam Ô đang ở chen chúc nhau với mật độ dân cư rất cao, nhiều kiệt hẻm chỉ đủ cho một người đi nhưng dân cư không bao giờ lấn vào khu rừng thiêng hay chặt phát cây trong rừng. Chính vì vậy, ở ngay gần khu đô thị sầm uất, rừng Nam Ô vẫn giữ được vẻ nguyên sinh với màu xanh bất tận như một lá phổi của cánh Bắc quận Liên Chiểu. Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng tuyệt tác của thiên nhiên qua những dải đá ngầm phân bố dày đặc, có đá chồng lên đá, có nơi sâu khoảng vài mét tạo nên khung cảnh khá hoang sơ.

Ghềnh Nam Ô xưa kia từng là ngư trường của ngư dân các quận huyện lân cận bởi đây có môi trường khá lý tưởng cho nhiều loài cá trú ẩn, cùng với đó là có nhiều rong tảo nên cung cấp một lượng thức ăn phong phú cho đủ loài cá khác nhau. Ngư dân ở vùng này xem nơi đây như một kho báu để khai thác hải sản.

Vào những ngày đẹp trời, bãi rạn nước êm đềm hiền hòa như người thôn nữ e ấp nhưng khi biển động thì từng cơn sóng dội ầm ầm vào những tảng đá to tạo thành cơn thịnh nộ của cuồng phong, sóng biển sẵn sàng hất tung đến vài mét. Những ngày hè oi ả, ghềnh thu hút nhiều bạn trẻ đến đây vui chơi, hẹn hò đôi lứa hay tổ chức picnic cùng đám bạn.

Nam Ô còn là làng nghề pháo cổ truyền một thời và hiện tại đây là làng nghề nước mắm nổi tiếng toàn quốc. Nghề pháo ở Nam Ô là nghề cổ truyền thủ công sản xuất ra pháo nổ và pháo hoa.

Người dân Nam Ô tôn vinh cụ Cửu Mai là tổ nghề pháo Nam Ô. Cụ Cửu Mai tên thật là Ngô Mai (18?? - 1957) quê gốc tỉnh Quảng Ngãi, là người có rất nhiều tài. Trên đường “hành hóa” qua Nam Ô, nhìn thấy phong thủy nơi đây đầy vượng khí, phong cảnh tuyệt đẹp, sản vật sung túc nên cụ quyết định ở lại. Cụ chữa bệnh cứu người bằng cây thuốc và nước khoáng, biết gọi “âm binh, thiên tướng”, lại biết cách làm pháo nổ, pháo hoa. Dân làng Nam Ô xem cụ như một vị phù thủy, gọi cụ một cách tôn kính là Thầy Ngài.

Năm Bảo Đại thứ mười (1934), nhà vua làm đại lễ cưới Nam Phương Hoàng hậu. Nghe tài năng của cụ Mai, vua bèn triệu cụ về kinh đô Huế để dựng giàn pháo hoa kịp trình diễn trong ngày khánh lễ. Giàn pháo đã gây sức hấp dẫn mãn nhãn tuyệt vời cho vua, quan và dân chúng kinh thành. Từ đó vua ban cho cụ Mai hàm Chánh Cửu phẩm nên dân làng gọi cụ là Cửu Mai.

Tiếp đó, đúng lúc vạn mành trùng tu lăng Ngư Ông của làng Nam Ô, cụ Mai phát tâm hiến cúng một giàn pháo hoa và những tràng pháo cho lễ lạc thành. Dưới sự chỉ dẫn của cụ, một giàn pháo tuyệt đẹp đã kịp trình làng cho lễ lạc thành ngày 21/5 năm Giáp Tuất. Sự kiện đặc biệt này đã thu hút đông đảo dân chúng đến xem. Tất cả mọi người có mặt đều ngỡ ngàng trước một cảnh kỳ vĩ lung linh của màu sắc pháo trên bầu trời mà trong đời lần đầu tiên được thấy. Đêm pháo hoa đó đã đặt nền móng khởi sinh nghề pháo cho làng Nam Ô.

Đến năm 1994, vì yếu tố môi trường, an ninh và kinh tế, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Tuy nghề pháo không còn nhưng người dân nơi này vẫn không quên người đã truyền nghề cho mình để sản xuất những dây pháo thương phẩm có chất lượng, từng vang bóng một thời…

Gỏi cá Nam Ô (ảnh: Internet)

Qua một ngày tham quan thỏa thích, du khách có thể ghé vào một quán bình dân trong làng để thưởng thức món gỏi cá Nam Ô đầy mặn mà pha lẫn hương vị cay nồng tuyệt đỉnh của ẩm thực xứ Quảng.

Gỏi cá với rau tươi các loại được cuốn trong bánh tráng mỏng và chấm nước chấm, ăn cùng với bánh tráng nướng hoặc có thể trộn chung thành món "lẩu thập cẩm" thì ngon tuyệt. Bởi vậy, một thực khách đã tả vị ngon của gỏi cá Nam Ô: “Thịt cá ngọt mát. Nước chấm đậm bùi. Vị riềng, ớt cay thơm quyện với hương vị các loại lá. Ăn kèm khế chua và chuối xanh chan chát... Vị ngon như ngấm vào chân răng, đầu lưỡi, chạy thẳng xuống đến dạ dày…”.

Cách Tân

Tin nổi bật