Hải Vân Quan - Một phế tích đã hồi sinh

Chiều 24/5/2017, tại đỉnh đèo Hải Vân, Lễ công bố và đón nhận bằng Di tích cấp quốc gia cho Hải Vân Quan đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp UBND TP. Đà Nẵng tổ chức.

Vậy là sau những lận đận, thăng trầm của thời gian, giá trị lịch sử, văn hoá của Hải Vân Quan đã được trả về đúng nghĩa. Đó là tín hiệu vui cho những ai quan tâm đến di sản quốc gia.

Hải Vân Quan trước nguy cơ thành phế tích.

Đèo Hải Vân còn có tên là đèo Ải Vân vì trên đỉnh đèo xưa kia có một cửa ải chính là Hải Vân Quan. Đèo dài hơn 23km, đỉnh đèo cao hơn 500 m so với mực nước biển, cắt ngang dãy núi Bạch Mã (là một phần của dãy Trường Sơn chạy cắt ra sát biển) nằm giữa Thừa Thiên - Huế (phía Bắc) và Đà Nẵng (phía Nam).

Hải Vân Quan được xây từ đời Trần, và trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7 - 1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề "Hải Vân Quan", cửa trông về phía Đà Nẵng đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Một bên góc bảng còn ghi thêm "Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo" (tức là xây dựng vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7). Danh hiệu này tương truyền do vua Lê Thánh Tông phong tặng khi nhà vua dừng quân ở đây vào năm Canh Thìn, 1470).

Theo Sách Đại Nam thực lục chính biên mô tả Hải Vân Quan: "Cửa trước cao và dài đều 15 thước (khoảng 6 mét), ngang 17 thước 5 tấc, cửa sau cao 15 thước, dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc, cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía tả hữu cửa quan, xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau".

Hải Vân Quan còn chứng kiến cuộc ngự du của vua Thành Thái vào mùa hè năm 1896. Xa giá của vua đi đường thủy vào đến Lăng Cô, nghỉ qua đêm rồi hôm sau đăng sơn. Vua cưỡi ngựa, tháp tùng là giới chức Pháp gồm có Toàn quyền Rousseau và Khâm sứ Brière lên tận cửa ải để ngắm cảnh.

Chung tay bảo vệ di tích

Do điều kiện thời gian và nằm ở khu vực giáp ranh 2 tỉnh thành nên di tích này đã bị xuống cấp trầm trọng. Nhiều năm qua, cụm di tích bị biến thành phế tích. Công trình từng được ví là đệ nhất hùng quan bị bỏ mặc giữa mưa nắng, không được trùng tu. 

Sau một thời gian khá dài bị phản ánh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, năm 2016, TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất làm chung một bộ hồ sơ trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị xếp hạng di tích cho Hải Vân Quan. Lý do là việc phân ranh giới địa lý của Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế chưa được thống nhất. Sự giằng co diễn ra kéo dài, đôi lúc còn xảy ra tranh chấp căng thẳng. Hải Vân Quan vì vậy mà dần dần thành phế tích trong sự xót xa của người dân và du khách. Nhiều du khách đã từng tỏ ra hối tiếc và thất vọng với cơ quan hữu quan khi được thuyết minh về phế tích này...

Tại buổi lễ trao bằng xếp hạng Di tích ngày 24/5, lãnh đạo hai tỉnh, thành Đà Nẵng và Thừa Thiên -Huế đã ký bản ghi nhớ về phối hợp quản lý di tích và cắm mốc khoanh vùng bảo vệ 1 di tích Hải Vân Quan. Bản ghi nhớ gồm 6 nội dung, trong đó nhấn mạnh việc lãnh đạo hai địa phương phối hợp chỉ đạo xây dựng và ban hành quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Hải Vân Quan; phối hợp chỉ đạo việc lập hồ sơ quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo, bảo quản và phục hồi di tích Hải Vân Quan gắn với phát triển du lịch bền vững…

Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết “Hải Vân Quan không chỉ là di sản văn hóa chung của hai tỉnh, thành mà còn là biểu tượng về tình đoàn kết giữa hai địa phương nên chúng tôi cam kết cùng chung tay bảo vệ”. Còn Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với thành phố Đà Nẵng thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu di tích; tham mưu, đề xuất việc xây dựng và ban hành quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy và khai thác di tích.

Đó là một tín hiệu vui cho những ai quan tâm đến di sản quốc gia và hy vọng với sự chung tay của 2 tỉnh thành, di tích có giá trị lịch sử này sẽ dần được phục dựng, trùng tu, bảo vệ chu đáo, là điểm tham quan thú vị trên hành trình di sản Bắc - Nam.

Cách Tân

Tin nổi bật