“Đường lên Điện Biên” - Khúc tráng ca về Tổ quốc và tình yêu

Hình ảnh Tổ quốc và tình yêu của những chàng Vệ quốc đoàn hào hoa và các cô dân công hỏa tuyến xinh đẹp sẽ được tái hiện lãng mạn, bi tráng trong 25 tập phim Đường lên Điện Biên.

Poster phim “Đường lên Điện Biên”

Sau hai phim điện ảnh về đề tài chiến tranh được đánh giá cao là Đường thư và Những người viết huyền thoại, bộ phim truyền hình Đường lên Điện Biên được xem như một thử thách tiếp theo của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Hai bộ phim trước anh đều làm về thời chống Mỹ, nhưng bộ phim mới này lại quay trở về thời kháng chiến chống Pháp. Một bộ phim chiến tranh phải tái hiện một cuộc chiến đã lùi xa 60 năm, khi cả đất và người nơi chiến trường xưa đều đã thay đổi là một điều không hề đơn giản. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng bộc bạch: “Chúng tôi cố gắng tái hiện đời sống của chiến sĩ, của anh chị em dân công hỏa tuyến với nhiều chi tiết ấn tượng... Làm phim truyền hình, ngoài đối thoại thì phần quan trọng nhất tạo nên tính hấp dẫn là ở những chi tiết”.

Không tham vọng làm bộ phim hoành tráng về một cuộc chiến tranh với chiến thắng “vang dội năm châu”, Đường lên Điện Biên tập trung khai thác vào tính nhân văn và số phận những con người tham gia cuộc chiến. Đó là những chàng trai Hà Nội bỏ lại gia đình, trường học và tình yêu học trò để lên đường kháng chiến. Trên con đường hành quân, tiểu đoàn Vệ quốc đoàn tình cờ gặp một đoàn dân công gồm 500 cô gái vận lương lên Điện Biên. Tình yêu và lửa đạn, máu và nước mắt cùng hào khí ngàn năm hội tụ ở một thế hệ cha ông sẽ được thể hiện lãng mạn mà bi tráng trong suốt 25 tập phim.

Làm phim truyền hình trong thời điểm có quá nhiều khó khăn, kinh phí eo hẹp, bối cảnh và thời gian câu chuyện trải dài, ngoài việc tái hiện nhiều chi tiết hấp dẫn khán giả thì các yếu tố kỹ thuật cũng chính là “bệ đỡ” cho một bộ phim về đề tài chiến tranh. Đồng hành cùng đạo diễn Bùi Tuấn Dũng trong dự án này là một ê kíp ăn ý từng sát cánh bên nhau hàng chục năm nay trong nhiều dự án phim. Đó là Giám đốc hình ảnh Lý Thái Dũng, nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn - nhà quay phim hàng đầu phía Bắc hiện nay, từng quay hàng chục phim chiến tranh, Phan Trọng Bích - một trong những người làm khói lửa tốt nhất, họa sĩ thiết kế Vũ Anh Tú cùng các thành phần khác như đạo cụ, dựng cảnh, hiệu ứng khói lửa, hóa trang, phục trang, kỹ xảo, nhạc phim, trailer, poster… Tái tạo một cảnh phim chiến tranh là vô cùng khó, bởi vậy đạo diễn cho rằng tất cả các thành phần của đoàn đều rất quan trọng.  

Cảnh phim “Đường lên Điện Biên”

Quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng, trong đó có những gương mặt mới đầy triển vọng như Nguyễn Mạnh Trường (vai Hoàng trong Bí mật tam giác vàng) hay những diễn viên kỳ cựu như Hoàng Hải (vai tướng Dinh trong Những người viết huyền thoại), Đường lên Điện Biên còn có nhiều diễn viên trẻ, trong đó nhiều gương mặt mới. Bùi Tuấn Dũng chọn diễn viên theo tiêu chí “cùng xây dựng nên nhân vật chứ không dựa vào tên tuổi của diễn viên tạo dấu ấn cho phim”. Bởi vậy, anh thống nhất với diễn viên cách diễn làm nổi bật nhân vật và số phận nhân vật.

Phim có bối cảnh quay trải dài trên rất nhiều tỉnh thành từ Hà Nội đến Điện Biên, Sơn La, Yên Bái… Đạo diễn cho biết, với một người trẻ lớn lên trong thời bình như anh thật khó mà có thể tái tạo ra không gian của hơn nửa thế kỷ trước. Nhưng may mắn là nguồn tư liệu sống về chiến tranh từ những người lính năm xưa được  cha mẹ anh và đồng đội của họ truyền lại với nhiều chi tiết cảm động. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của những kiến thức về chiến tranh và kinh nghiệm làm phim từ nhiều năm nay đã giúp anh tái hiện lại sống động trong những thước phim.

Được thực hiện trong thời gian khá gấp rút chỉ vài tháng từ trước và sau Tết Giáp Ngọ để kịp thời lên sóng vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên, đoàn làm phim mong muốn Đường lên Điện Biên không chỉ là món quà đầy ý nghĩa tri ân thế hệ đi trước mà còn hâm nóng tình yêu của khán giả với lịch sử, đặc biệt là khán giả trẻ.

 Hoàng Mai

Nguồn: baophunuthudo.vn

Tin nổi bật