Đến Huế dịp 30/4 để trải nghiệm tinh hoa nghề Việt

(ICTPress) - Với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt”, Festival nghề truyền thống Huế 2017 sẽ diễn từ 28 - 2/5/2017 tại TP. Huế.

Tại buổi họp báo công bố sự kiện ngày 5/4 tại Hà Nội được Bộ TT&TT, UBND TP. Huế phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Huế đã cho biết: “Festival nghề truyền thống Huế 2017 sẽ quy tụ được nhiều nghệ nhân, làng nghề truyền thống nhất từ trước đến nay, là sự kiện văn hóa, kinh tế có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định, nâng cao vị thế của Huế: Cố đô xanh-Di sản thế giới-Thành phố an toàn và thân thiện và mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư thúc đẩy làng nghề truyền thống”. 

Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Huế thông tin về Lễ hội

Năm nay, Festival tiếp tục phát huy thương hiệu và vị thế của thành phố lễ hội; tôn vinh các nghề truyền thống, các nghệ nhân, sản phẩm đặc trưng, chất lượng, có giá trị văn hóa, nhằm phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ của Thừa Thiên Huế và của các thành phố, tỉnh bạn trong cả nước. Hoạt động cũng thu hút sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng theo hướng xã hội hóa, công chúng hóa, chuyên nghiệp hóa.

Festival nghề truyền thống Huế 2017 có sự tham gia, giới thiệu 13 nhóm nghề của hơn 40 làng nghề trong nước và quốc tế: Thêu, kim hoàn, mộc mỹ nghệ, đồng, gốm, nón lá, hoa giấy, tranh thêu, ... và các sản phẩm khác có thương hiệu, truyền thông lâu đời. Trên 300 Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước cũng góp mặt tại Festival. Ngoài ra, Festival còn có sự góp mặt của các quốc gia có các thành phố quan hệ kết nghĩa, hợp tác với Huế.

Điểm nhấn của Festival làng nghề Huế 2017 là Lễ hội áo dài với chủ đề “Hội họa Huế và áo dài” diễn ra tại cầu Trường Tiền, 20 giờ tối 30/4. Đây là là nơi gặp gỡ giữa tinh hoa hội họa Huế và các nhà thiết kế Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề cũng được xây dựng tại Bảo tàng Văn hóa Huế, Đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Công viên Phan Bội Châu, Công viên Tứ Tượng, Công viên Lý Tự Trọng, Trung tâm Văn hóa làng nghề Phương Nam... Không gian may áo dài nhanh sẽ là nơi dành cho du khách trải nghiệm, tiếp xúc với các nghệ nhân, các sản phẩm chất lượng độc đáo.

Các nhà thiết kế trình diễn các bộ sưu tập áo dài thể hiện hình ảnh hội họa của các họa sĩ Huế tại Họp báo

Đặc biệt, lần đầu tiên tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm không gian văn hóa hoàng cung Huế về đêm tại Đại Nội với nhiều hoạt động phong phú đa dạng… Không gian giới thiệu ẩm thực ba miền được tổ chức tại Công viên 3 tháng 2.

Trong khuôn khổ Festival còn có các chương trình nghệ thuật đặc sắc; Lễ tế tổ bách nghệ, lễ rước, vinh danh nghệ nhân, làng nghề; chương trình thời trang “Hội tụ bản sắc châu Á” với các bộ sưu tập độc đáo trên chất liệu dệt may truyền thống của 19 nhà thiết kế Việt Nam, Phillippines, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Malaysia và Tây Ban Nha.

Trong thời điểm diễn ra Festival còn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác: Triển lãm các bộ sưu tập cổ vật quý liên quan các nghề thủ công truyền thống; bình chọn sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đặc sản lần thứ nhất; chương trình giới thiệu phim và ca múa nhạc nghệ thuật giao lưu các diễn viên điện ảnh nổi tiếng Hàn Quốc; các công ty du lịch với các tour đến với các làng nghề, các điểm tham quan như tour du lịch trải nghiệm đúc Đồng (Phường Đúc), nhà vườn Thủy Biểu, Kim Long…

Nhiều hoạt động cộng đồng (Liên hoan sắc màu tuổi thơ, liên hoan diều, triển lãm ảnh, ca Huế thính phòng, không gian thư pháp, biểu diễn võ cổ truyền, cờ người, lễ hội khinh khí cầu, âm nhạc đường phố…) cũng được tổ chức hưởng ứng Festival.

HM

Tin nổi bật