Đêm diễn cảm xúc của nhóm vũ nhạc Israel tại Hà Nội

(ICTPress) - Nhân kỷ niệm 66 năm ngày Độc lập Nhà nước Israel và 21 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Israel, nhóm vũ nhạc TARARAM, Israel đã có một buổi trình diễn đầy ấn tượng tại Hà Nội tối 21/4.

Tham dự sự kiện có Đại sứ nhà nước Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar, Trợ lý bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Ngọc Sơn, lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Israel, ông Igal Ahouvi cùng nhiều bạn bè quốc tế tại Hà Nội.

Tararam đã thành công trên con đường thể hiện cốt lõi văn hóa Israel bằng những trải nghiệm nhạc - vũ - kịch thú vị và đầy cảm hứng của mình.

Nhạc cụ “xanh”

Các nghệ sĩ của Tararam đã kết nối với khán giả bằng ngôn ngữ nhịp điệu và những âm thanh đặc biệt được tạo ra bởi các vật dụng tái chế thông thường như thùng phi, thùng thiếc, ghế gỗ, thìa dĩa và các bộ gõ khác đã mang đến một bữa tiệc của nhịp điệu, những nhịp đập bản năng của cơ thể được đánh thức, làm đông đảo người nghe tại nhà hát Âu Cơ không thể cưỡng lại cảm xúc, muốn hòa mình vào giai điệu bằng những tiếng vỗ tay hay nhịp chân hưởng ứng.

Kim Gordon, đại diện cho nhóm nhạc đã vui mừng cho biết nhóm rất vui và là lần đầu tiên được đến Việt Nam. Tararam chủ yếu là các tay trống và các vũ công, sử dụng các nhạc cụ dân giã. Điểm đặc biệt là sử dụng ngôn ngữ nhịp nhàng của cơ thể và sử dụng các nhạc cụ được làm bằng chất lượng tái chế, đi dến đâu tận dụng chất liệu địa phương tái chế, rất rẻ, ai cũng có thể tạo ra được nhạc cụ và không cần phải giàu có mới có thể có được nhạc cụ. Ngoài ra, hiện chúng ta đang sống trong thế giới Xanh, tất cả các quốc gia đều kêu gọi bảo vệ môi trường. Chúng ta đã bắt đầu tái chế mọi thứ, tạo ra âm nhạc từ những vật dụng tái chế thay vì vứt chúng đi.

Ý tưởng hình thành của giám đốc nghệ thuật của chúng tôi, cũng là một tay trống. Chúng tôi đã bắt đầu bằng việc gõ dùi trống lên tất cả các vật liệu và nhận biết được sự khác biệt trong âm thanh được tạo ra từ những vật liệu đó và tất cả như là một dàn nhạc giao hưởng. Ví dụ như với chai nước bỏ đi, khi cho nước và một chút gạo vào, chúng tôi đã tạo ra âm thanh rất vui tai. Từ những hộp dầu oliu đã dùng hết chúng tôi cũng có thể tạo thành bộ gõ… Kim cho biết.

Âm thanh tạo ra từ nhạc cụ tái chế và nhạc cụ thông thường khác nhau, nhưng nhịp điệu, lời hát và sự kết hợp là giống nhau. Nhạc cụ thông thường như trống thường có gắn với micro nhưng với những nhạc cụ tái chế như chai lọ, thùng phi thì không có. Vì thế một số nhạc cụ tái chế phù hợp với thể loại unplugged.

Âm thanh tạo ra từ nhạc cụ “tái chế” cũng không được mạnh như các nhạc cụ thông thường, như trống, nhưng khán giả thì lại rất tò mò và họ lắng nghe. Ví dụ chúng tôi đã dùng thìa để gõ nhịp lên cơ thể và âm thanh phát ra rất nhỏ, nhưng chúng tôi thấy khán giả bắt đầu đến gần hơn, họ bỗng trở nên yên lặng khác thường, không giống như khi chúng tôi chơi trống. Và tôi thích cả hai loại nhạc cụ này. Tôi thích chúng tôi “chơi nhạc” bằng thìa, nồi và chảo. Và chúng tôi có một “dàn nhạc giao hưởng” với những đồ từ bếp. Mọi thứ trong nhà bếp đều có thể tạo ra âm nhạc, Kim say sưa và thích thú cho biết.

Nghe nhạc để vui vẻ tích cực

Được hỏi về Tararam có ý nghĩa gì? Kim Gordon cho biết trong tiếng Do Thái có nghĩa là ồn ã, nhưng mang ý nghĩa tích cực, vui vẻ và chứng kiến những gì các nghệ sĩ TARARAM đã mang đến cho khán giả thủ đô bạn sẽ thấy thực sự tích cực, sảng khoái và sự chân thành, không hào nhoáng trong hoạt động âm nhạc, công việc của những con người Israel:

Trước khi biểu diễn tại Hà Nội, nhóm vũ nhạc đại diện cho Israel Tararam cũng đã tham dự Festival Huế ngày 17/4/2014 và nhận được nhiều sự yếu mến và cổ vũ. Tararam cũng đã biểu diễn tại nhiều sự kiện lớn như Thế vận hội Olympic2004 tại Athens, Hy Lạp, hội chợ triển lãm Quốc tế (World Expo) tại Đức. Ngoài ra, nhóm còn tham gia rất nhiều Festival âm nhạc quốc tế, trong đó có Costa Rica, Slovenia, Colombia, Ấn Độ, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác.

Đại sứ nhà nước Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar đã cho biết để hiểu biết nhau thì phải hiểu nhau về văn hóa. Tôi cũng như những người tiền nhiệm hàng năm đều cố gắng có một sự kiện văn hóa như thế này để chúng ta hiểu nhau hơn. Một trong những trụ cột quan trọng để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước là hợp tác văn hóa qua đó người dân Việt Nam hiểu được Israel ở đâu, là ai và những người dân Israel như thế nào. Cũng giống như Việt Nam, Israel có truyền thống lâu đời nhưng hôm nay Israel đưa đến cho người dân Việt Nam một ban nhạc đương đại. Tararam là hình ảnh của một đất nước năng động, sáng tạo.

Đại sứ nhà nước Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar cũng cảm ơn chân thành tới nhà tài trợ ALMA - khu nghỉ dưỡng cao cấp do Israel đầu tư và các đồng nghiệp tại Đại sứ quán đã nhiều nỗ lực để tổ chức được một đêm biểu diễn đầy cảm xúc kỷ niệm mối quan hệ ngoại giao lâu bền giữa Việt Nam và Israel.

Minh Anh

Tin nổi bật