Đà Nẵng hút khách thập phương với Lễ hội Quán thế âm

(ICTPress) - Lễ hội Quán Thế Âm tại Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng là một Lễ hội độc đáo của Thành phố Đà Nẵng.

Năm nay, Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ 25 đến 27/3 (nhằm 17-19/2 Âm lịch). So với những năm trước, quy mô lễ hội năm nay với các chương trình hội phong phú, đặc sắc, được nâng tầm, góp phần vào sự phát triển du lịch tâm linh, văn hoá tại Đà Nẵng. 

Cổng chính vào Lễ hội

Bắt đầu từ trước đó mấy ngày, nhiều đoàn Phật tử từ mọi miền trên đất nước đã có chuyến hành hương về Ngũ Hành Sơn (chùa Quán Thế Âm, trong khu vực núi Non Nước, phường Hoà Hải, Ngũ Hành Sơn). Nhiều đoàn khách du lịch thập phương cũng đã có mặt từ rất sớm để có cơ hội được chiêm ngưỡng những nét tinh hoa, độc đáo trong không khí lễ hội.

Phần lễ bao gồm: lễ chính thức theo nghi thức Phật giáo, lễ Tế xuân cầu quốc thái dân an. Đặc biệt, lễ rước Quán Thế Âm tái hiện hình ảnh Quán Thế Âm lung linh, huyền bí vào ngày lễ chính (19/2 Âm lịch) là sự kiện được Phật tử và du khách mong đợi nhất.

Chương trình Lễ hội

Phần hội với hoạt động văn hóa, thể thao phong phú như triển lãm tranh, ảnh về du lịch và thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, hô hát bài chòi (một loại hình nghệ thuật độc đáo của Xứ Quảng), giao lưu thơ nhạc, hội hoa đăng, trình diễn thư pháp, thiền trà, biểu diễn trống hội và múa trình tường...

Người tham dự Lễ hội Quán Thế Âm luôn được hòa mình trong không gian văn hóa Phật giáo, tìm thấy cảm giác  an bình, vui tươi trong những hoạt động văn hóa đậm nét truyền thống dân tộc kết hợp với tinh hoa văn hoá nhân loại.

Năm nay, các chương trình Ngày chạy vì hoà bình và sức khoẻ cộng đồng, Hội cờ làng đã thu hút các đội chơi từ các cơ quan, địa phương lân cận nhằm bảo tồn các giá trị văn hoá địa phương, đồng thời thể hiện sự gắn bó đoàn kết của cư dân trong vùng.

Đặc biệt, Lễ hội năm nay có sự có mặt của đoàn cao tăng Chùa Todai Ji (Đông Đại Tự) Nhật Bản và Tăng đoàn Phật giáo Thái Lan đã mang đến nét đẹp văn hóa truyền thống của hai quốc gia này như thiền trà, trà đạo, trình diễn thư pháp đại tự, nghệ thuật cắm hoa, biểu diễn võ thuật...

Đến với không gian Lễ hội, du khách cũng sẽ được tham quan Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tại khuôn viên Chùa Quán Thế Âm - một bảo tàng Phật giáo đầu tiên ở nước ta. Tại đây, du khách sẽ được tham quan, chiêm ngưỡng tinh hoa cổ vật Phật giáo trên khắp thế giới, trong đó nhiều cổ vật có giá trị lịch sử, khảo cổ rất lớn với niên đại hàng nghìn năm tuổi.

Một góc trang trí tái hiện đậm chất đồng quê

Nhờ khâu tổ chức được chuẩn bị chu đáo và Lãnh đạo Thành phố đặc biệt quan tâm nên các khâu hậu cần, tiếp đón du khách, an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường… được đảm bảo khá tốt tại Lễ hội./.

Cách Tân

Tin nổi bật