Bát Tràng - ngày ấy, bây giờ

Lần đầu tôi đến Bát Tràng có lẽ cách nay đã mươi năm. Lần đó đi theo đường thủy dọc sông Hồng nên được tận mắt chứng kiến cảnh những con thuyền ngược xuôi tấp nập về bến Bát Tràng lấy hàng.

Men sông cứ đôi dăm chục mét lại có một cái bến nước của vài gia đình trong làng Bát Tràng để thuyền cập vào. Chỉ là mấy thanh gỗ đơn sơ bắc trên mặt nước với chiếc cọc tre đủ chắc cho thuyền neo đậu. Ấy vậy là thành cái bến mà tàu du lịch cũng phải nộp đủ lệ phí thì mới được neo lại cho du khách lên bờ tham quan. Nhộn nhip như trong câu ca xưa, từng tốp thợ đội những sọt bát đĩa trên đầu hối hả chạy trên những thanh gỗ bắc trên mặt nước làm cầu tàu xuống giao hàng cho những chiếc thuyền buôn. Những thanh gỗ cứ võng xuống dưới sức nặng của những sọt đồ gốm, có cảm tưởng như chúng sẽ gãy ngay nếu mấy người thợ này chợt đứng lại.

Ngày ấy chỉ vài đại gia có đủ tiền làm lò ga để nung gốm, còn thì đa số vẫn dùng lò than. Những viên than được hong khô ngay trên những bãi đất trống ven đường. Đường làng đen nhem nhẻm. Các bức tường cũng lem nhem. Những chiếc lò nung ngất nghểnh. Từ dưới sông nhìn lên làng khi chiều xuống, những cái lò ấy in lên nền trời dáng vẻ vừa lam lũ vừa kiêu hãnh…    

Lần sau đó tôi sang Bát Tràng bằng ô tô cùng mấy bạn người Nga. Xe qua cầu Chương Dương rồi rẽ phải chạy dọc ven đê. Mải mê giới thiệu với các bạn Nga về sông Hồng cùng những cây cầu lịch sử, khi tài xế bảo “Đến rồi chị ạ” chúng tôi bước xuống xe là nhìn thấy dãy cửa hàng đồ gốm bề thế với những khuôn cửa sáng choang.  Cứ ngờ ngợ rằng đó không phải là nơi định đến, chúng tôi hỏi một người bán hàng. “Đây đúng là Bát Tràng mà chị”, cô bán hàng trả lời nhưng lại nhìn xuống rồi ra vẻ bận rộn sắp xếp lại mấy món đồ trong tủ kính. Tôi quay ra cửa nhìn lên bảng hiệu. Dưới tên cửa hàng là dòng chữ nhỏ: thôn Giang Cao, xã Bát Tràng. Nhầm thật rồi.

Tôi gọi mấy người bạn Nga đang tản đi xem các cửa hàng bên cạnh. Chúng tôi lên xe, quay trở lại con đường ven đê. Đúng là ở ngay lối rẽ có một tấm biển rất hoành tráng với dòng chữ “Bát Tràng” to đùng nhưng chữ “xã” phía trên lại bé và cao quá tầm quan sát từ ghế ngồi của tài xế, chỉ đến rất gần mới thấy. Thảo nào anh lái xe đã rẽ ngay khi nhìn thấy biển báo. Từ tấm biến tên xã này, chúng tôi chạy xe dọc theo đê thêm đoạn nữa rồi rẽ phải, đi thêm chút nữa thì tới chợ gốm Bát Tràng. Đây mới đích thực là địa phận làng gốm Bát Tràng nổi tiếng đã đi vào ca dao xưa.

Những cửa hàng ở đây có dáng vẻ nền nã giản dị, nhưng hàng hóa rất phong phú. Mấy người bạn Nga của tôi trầm trồ trước những cái bình gốm cao quá đầu người. Thích, tần ngần hỏi giá rồi xuýt xoa thấy rẻ khi quy ra đồng rúp, nhưng tôi nhắc các bạn nếu thêm công vận chuyển thì chả rẻ chút nào. Thôi thì chụp ảnh làm kỷ niệm rồi chuyển sang những món hàng nhỏ gọn có thể xách tay vậy.

“Chí Phèo Thị Nở” lại là cặp đôi khiến mấy bạn Nga thích thú. Ông già câu cá và cô gái mò cua đội chiếc nón mê cũng được nâng lên đặt xuống ngắm nghía. Thế nhưng khi hỏi về ý nghĩa của các nhân vật và được tôi kể lại câu chuyên nguồn gốc thì các bạn lẳng lặng đặt xuống. Có vẻ trong thời kinh tế thị trường, không ai muốn níu giữ biểu tượng của sự nghèo khó. Hơn nữa các bạn lại là các doanh nhân Nga đang Đông tiến tìm cơ hội hợp tác làm ăn.

Sau rốt các bạn quay sang kệ hàng đối diện nơi bầy các tượng thần tài bụng phệ tươi cười. Hỏi lại tôi để biết chắc chắn đó là vị thần phương đông tượng trưng cho sự giàu có, các bạn ngắm nghía rồi mỗi người chọn một ông tượng thần tài theo ý thích: ông thì hớn hở hai tay giơ cao đĩnh vàng trên đầu, ông lại khoan thai ngồi trên đống tiền, ông khác kín đáo cười mủm mỉm với chiếc bao đựng báu vật sau lưng… Bác doanh nhận Nga lớn tuổi nhất trong nhóm chọn ông thần tài bụng bự nhất và chốc chốc lại xoa bụng thần tài rồi xoa bụng mình như để so sánh khiến ai cũng phì cười. Nhưng cười tươi nhất là cô bán hàng…

Mải mê mua sắm, các bạn Nga lơ luôn đề nghị tham quan đình chùa và vài địa điểm khác trong làng cổ. Đến khi rời chợ với lỉnh kỉnh các túi cói đựng gốm, chúng tôi mới nhìn thấy chiếc xe trâu đang đủng đỉnh đưa mấy du khách Pháp dạo quanh làng. Cũng đã muộn và mệt với thành quả mua sắm nên các bạn Nga của tôi chỉ muốn quay về Hà Nội nghỉ ngơi. Món xe trâu đành để lần sau.          

Thế nhưng mấy lần sau vẫn lặp lại cảnh mấy bạn nước ngoài của tôi chỉ đến cửa chợ Bát Tràng là mê mẩn khiến tôi cũng bị cuốn theo. Hôm thì lỉnh kỉnh vài cái bồn phong thủy cắm điện vào là nước chảy réo rắt, lần lại khệ nệ mấy bức tranh đất nung…    

 Lần lữa rồi chúng tôi cũng quyết định sẽ du lịch “bụi” sang Bát Tràng bằng xe bus để có một chuyến tham quan thực sự. Khi chúng tôi đến bến Long Biên thì đúng lúc xe bus số 47 vào bến. Lên xe, ngồi chỉ khoảng nửa giờ, xe bus đưa chúng tôi đến đúng cửa chợ gốm Bát Tràng và cũng là bến cuối của tuyến đường này. 

Không vào chợ, chúng tôi tiến về phía làng cổ Bát Tràng. Đường làng hẹp, có chỗ chỉ đủ cho người đi bộ, hai xe đạp tránh nhau đã thấy vất vả. Tuy vậy, theo chỉ dẫn thì đường làng được quy hoạch theo kiểu ô bàn cờ nên đi vòng vèo thế nào cũng sẽ ra đến đình và đền ở bên sông Hồng. Cách nhau hoảng vài trăm mét, cả đình làng và đền đều có thế đất nhìn ra sông với cảnh quan bao la trời mây nước. "Nhất cận thị, nhị cận giang”, các cụ tiên chỉ Bát Tràng xưa đã khéo chọn để con cháu đời đời được hưởng phúc. Qua bao thăng trầm lịch sử, vượt lên những nghiệt ngã cạnh tranh, làng không chỉ giữ được nghề và còn phát triển thương hiệu Bát Tràng ra nước ngoài. Đình làng đã được trùng tu và xây lại. Trên nền cũ là những chiếc cột gỗ to cỡ hai ba người dang tay ôm mới trọn vòng. Không như với những chiếc cột gỗ được chăm chút lau chùi sạch bóng, mấy chiếc lọ gốm men hoa xanh cao quá đầu người lại khép nép phủ bụi ở một góc như muốn nói rằng ở đây chúng chỉ là “cây nhà lá vườn” chẳng được chú ý đến. Khác với đình và đền, chùa làng Bát Tràng nằm ngay bên trục đường chính. Chùa như được xây mới, chả có mấy nét xưa.

Tôi may mắn gặp lại quang cảnh của Bát Tràng thời chưa xa tấp nập trên bến dưới thuyền, những lò nung lam lũ mà kiêu hãnh…trên tấm ảnh lớn ở phòng trưng bày của một nhiếp ảnh gia quê gốc Bát Tràng. Thời chưa xa đó đang dần trở thành xưa cũ, thật may khi nó được ghi lại.

Không còn những lò nung than nữa, các lò nung đã chuyển sang dùng ga. Đường làng sạch sẽ. Những viên than giờ trở thành vật trang trí gắn trên một vài đoạn tường dọc lối đi như nhớ về một thuở chưa xa. Nhiều ngôi nhà trong làng được xây mới đẹp và khang trang nhưng vẫn lưu nét cổ với những bức tường gạch đỏ mộc mạc màu yếm thắm thôn nữ hay xây bằng đá ong nâu gụ thô tháp như những chiếc váy sồi tần tảo nơi cuối chợ mom sông nuôi con nuôi chồng trong thơ Tú Xương xưa.

Có một ngôi nhà giữa làng vẫn giữ nguyên dáng cũ trên nền cũ, thấp hơn nền làng hiện tại đến cả mét. Khách đến thăm phải đi chục bậc thang để xuống sân rồi vào nhà. Ngôi nhà cổ ba gian vẫn giữ được những dui mè gỗ chạm, hoành phi, giường tủ kiểu xưa…ghi dấu một thời kha giả. Bà chủ nhà, bà Cá, áo trắng, tóc bạc trắng, nét mặt  thanh thản ngồi giữa ngôi nhà cổ. Bên cạnh là ngôi nhà cao tầng và nền cũng cao là của các con bà, đang hối hả khách đến lấy hàng.       

Đường làng cổ Bát Tràng thì hẹp nhưng người làng rất cởi mở. Khách đến tham quan có thể vào bất cứ ngôi nhà nào để ngắm nghía và có thể chụp ảnh mà chỉ cần một đôi câu xin phép chủ nhà. Duyên may thì còn được chủ nhà mời trà nước...

Dọc theo con đường vòng vèo trong ngôi làng cổ, chúng tôi chợt gặp một mảnh sân nhỏ, một chiếc cầu thang với lan can làm từ những chiếc bình gốm dẹt có hoa văn  sang trọng hai màu trắng đen hài hòa cùng những bức tranh gốm mộc mạc trên bức tường cũ. Nét bài trí độc đáo hút mắt và hút bước chân chúng tôi. Bà chủ nhà tên Lâm, ngày trước là cô gái Hà thành nhà ở phố Hàng Than rồi về làm dâu sứ gốm. Tuy đã nhiều tuổi nhưng lối nói chuyện duyên dáng nền nã của bà còn thu hút người nghe hơn cả ngôi nhà. Hóa ra mảnh sân có chiếc cầu thang độc đáo chỉ là sân sau, bà dẫn chúng tôi ra phía sân trước. Tòa nhà cổ hai tầng bề thế hiện ra trước mắt chúng tôi với tất cả nét tinh tế còn vẹn nguyên của kiến trúc Hà nội đầu thế kỷ 20. Tôi cứ ngỡ như mình được về lại ngôi nhà của bà nội tôi xưa trên con phố Triệu Việt Vương (giờ đã xây lên nhiều tầng).

Nhẩn nha trong căn phòng khách rộng có đủ sập gụ, tủ chè, bàn ghế chạm khảm kiểu cổ, bà Lâm kể cho chúng tôi nghe về sở thích nấu các món ăn truyền thống. Món xôi vò chè đường lại làm tôi nhớ về bà nội của mình. Nghe nói ngày xưa đó là một trong những món “tủ” để các bà mẹ chồng thử tài khéo léo của con dâu. Nhìn thì đơn giản đấy, nhưng làm thế nào để từng hạt xôi vò dẻo thơm bùi đều tăm tắp mà không hạt nào dính vào nhau… đó là cả một nghệ thuật nấu nướng tinh tế, chẳng dễ gì mà làm được. Mà quả có thế thật, nhiều năm trước mấy chị em tôi dù tập đi tập lại vẫn không nấu được món xôi vò ngon như bà nội đã làm, cả món canh bóng, bún thang nữa…

Chuyện về các món ăn khiến người ta rất mau đói. Chúng tôi từ biệt bà Lâm rồi kiếm một quán ăn trưa. Mái ngói tranh tre, riêu cua, cá rô đồng, phục vụ chân tình, giá cả phải chăng… mang đến cảm giác thư thái, không cạnh tranh đua chen của một làng quê yên bình. Hỏi thăm về chiếc xe trâu du lịch, chợt tiếc khi được biết không còn dịch vụ đó nữa bởi lợi nhuận không đủ cho chi phí, thế là đã lỡ một cơ hội trải nghiệm.  

Cạnh mấy quán ăn là nơi thử làm nghề gốm với đất sét, bàn xoay và phẩm màu… Nhìn các cháu bé và các bạn trẻ say sưa khiến chúng tôi cũng muốn thử làm thợ gốm xem sao. Xoay rồi lại xoay, xem ra để làm được một chiếc bát  thôi cũng không đơn giản. Công đoạn vẽ màu có vẻ dễ sáng tạo hơn…

Tuy tự nhủ là không nên mang thêm món đồ gốm nào nữa về ngôi nhà đã đầy ắp của mình, nhưng không thể không rẽ vào các cửa hàng dọc đường làng và trong chợ để ngắm nghía vẻ đẹp huyền bí của gốm. Kết quả là vài món đồ gốm vẫn theo chúng tôi lên xe bus về Hà Nội. Mà tại sao lại không chứ, gốm Bát Tràng đẹp thế cơ mà.

                                                                                                                                            Hiền Minh

Tin nổi bật