Bát Tràng - một ngày cuối tuần lang thang

(ICTPress) - Đã nhiều lần đi Bát Tràng nhưng lần này là một chuyến đi chúng tôi “chìm” trong không gian phố cổ, văn hóa Bát Tràng thực sự. Một sáng mùa thu tháng Chín, chúng tôi bắt xe buýt từ bến Long Biên túc tắc sang Bát Tràng.

Tôi thấy có tuyến xe buýt thật tiện, với chỉ 1 đến 2 chuyến và trong một ngày cuối tuần chẳng vội vàng, xe buýt cũng không đông, chúng tôi đến Bát Tràng thật thong dong. Cảm giác này làm tôi nhớ lại những chuyến đi đâu đó nước ngoài, đi đâu cũng bằng xe buýt, metro thật tiện.

Đến bến đỗ ở Bát Tràng, tôi đã bị hấp dẫn bởi những hàng quà sáng, nào bún các loại, bánh tẻ, trứng luộc còn bốc khói, nóng hôi hổi… Sáng đó tôi không ăn sáng ở nhà như thường lệ nên khi xe buýt sang đến nơi nhìn những hàng quà sáng ngay ở chỗ xuống xe trước cổng chợ Gốm, tôi quyết định phải ăn để có sức lang thang. Chọn quán bún chúng tôi ngồi xuống. Chẳng đến mấy phút, bát bún cá to, ngon và bốc khói được bưng ra. Sững sờ mấy giây tôi phải hỏi chủ quán ngay là bát bún này hết bao tiền. Như hiểu ý tôi, chị nói ngay chỉ 25.000 đồng thôi. Tôi thở phào vì một tô to, nhiều bún, cá như thế ở nội thành Hà Nội khó kiếm được trong thời giá hiện nay.

Trong vòng 15 phút, bạn tôi đã ăn sáng ở nhà chỉ ngồi nhâm nhi chén trà và bắt chuyện với một người đàn ông trung tuổi ở làng. Người đàn ông cho chúng tôi biết Bát Tràng thời gian gần đây rồi chỉ dẫn chu đáo cho chúng tôi vào làng cổ, đến những di tích lịch sử, văn hóa nào. Trong giọng nói của người đàn ông tôi nhận thấy một niềm tự hào của một người con Bát Tràng. Bạn tôi cứ đùa bát bún của tôi thật đáng giá.

Chúng tôi quyết định đi Đình, Đền, Chùa và Nhà cổ. Bát Tràng giờ đây đã có hệ thống chỉ dẫn nên chúng tôi dễ dàng tìm ra Đình sau một lúc quanh quéo trong làng theo hướng mũi tên chỉ Đình.

Đình Bát Tràng quay ra sông Nhị Hà

Đón chúng tôi ở Đình là một người đàn ông trung tuổi, ông đã say sưa kể cho chúng tôi về Đình Bát Tràng quay ra sông Nhị Hà, một trong số những ngôi đình lớn của xứ Kinh Bắc xưa. Hiện nay đình còn lưu giữ hơn 50 đạo sắc phong cho thành hoàng, đời vua Lê Cảnh Hưng, đời vua Quang Trung và vua Cảnh Thịnh. Năm 2005, dân làng Bát Tràng đã cùng nhau đóng góp, đại Trùng tu Đình và mang đúng với dáng dấp xưa. Với những giá trị về kiến trúc và văn hóa, Đình Bát Tràng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng Di tích Văn hóa Kiến trúc Nghệ thuật.

Rời Đình chúng tôi đến Đền, Chùa. Sau khi viếng thăm những địa điểm tâm linh, chúng tôi len lỏi trong những ngõ nhỏ, lối nhỏ chỉ vừa cho 1,5 chiếc xe máy hay xe đạp. Nếu hai chiếc xe đi ngược chiều nhau thì 1 chiếc phải đi đến cổng nhà ai đó để nghiêng chiếc xe vào phía trong cửa để chiếc xe ngược chiều kia lách qua. Những tia nắng vàng nhảy nhót nhưng ở phía trên tường cao, không chạm xuống tới được sân nhà, mặt đường làng, nên nhiều nhà dân đã phơi những tác phẩm gốm mới làm trên những lan can cao gần mái nhà. Lang thang dọc các bờ tường rêu phong và thỉnh thoảng vẫn còn nhiều mảng tường dán những viên than nung gốm làm chúng tôi như đang quay về thời xưa cũ. Sẵn đồ gốm nên người dân làng gốm tự trang trí cổng nhà, cầu thang, lan can, bờ tường bằng những tranh, bình gốm nhiều màu sắc tạo nên những nét riêng biệt của làng.

Ngõ nhỏ Bát Tràng
Thỉnh thoảng còn những mảng tường vẫn dán những viên than dùng để nung gốm

Loanh quanh qua những lối nhỏ theo chỉ dẫn chúng tôi đến nhà cụ Cá, một ngôi nhà cổ, có đến 200 năm tuổi, nằm sâu dưới nền đất làng hiện nay tới gần 5 mét. Vào nhà, chúng tôi phải xuống một cầu thang như xuống một tầng ngầm của ngôi nhà hiện đại trong phố. Nền nhà cụ Cá cũng như nhiều nhà cổ khác nằm bằng nhau, nhưng rồi đất thừa, đồ gốm phế phẩm cứ thế tôn cao nền làng lên và bây giờ thì nhà cụ nằm sâu dưới mặt nước sông Hồng có đến vài mét. Vào trong nhà chúng tôi như lạc vào một thời gian khác của Bát Tràng với không gian mát lạnh.

Ngôi nhà cổ còn lại thấp hơn với nền đất làng hiện nay của Bát Tràng

Một ngôi nhà thứ hai mà chúng tôi may mắn được đến thăm là ngôi nhà cổ xây từ thời Pháp. Chúng tôi không biết đó là ngôi nhà cổ Pháp mà ấn tượng ban đầu chỉ là cái lan can cầu thang được ghép bởi những bình gốm nâu dẹt hoa văn chìm và những bức tranh gốm gắn cả mảng  tường lớn của ngôi nhà và những chiếc lá đang chao nghiêng xuống sân vườn.

Ghé vào cửa tiếng chuông nhà đổ rộn ràng, một phụ nữ lớn tuổi phúc hậu đón chúng tôi. Biết chúng tôi muốn xem những bức gốm, bà đã xởi lởi mời chúng tôi tham quan nhà. Vào trong nhà, chúng tôi phát hiện ra là mình đã may mắn viếng thăm một ngôi nhà cổ từ thời Pháp, đã 120 năm trong ngôi làng 1000 năm tuổi Bát Tràng. Ngồi trong ngôi nhà biệt thự “Tây” được chủ nhà gìn giữ nguyên vẹn, nền nhà lát gạch Bát Tràng vẫn từ thời đó. Người phụ nữ Nguyễn Thị Lâm đã kể cho chúng tôi lịch sử và dẫn chúng tôi lên gác 2 và xem những đường nét hoa văn, những mảnh gốm ốp cổng nhà.

Người dân làng gốm trang trí mọi nơi có thể

Thú vị hơn là bà Lâm rất say mê phục dựng món ăn, mâm cỗ “chuẩn” của Hà Nội. Hỏi ra chúng tôi được biết bà là con gái gốc Hàng Than, Hà Nội lấy chồng theo chồng về Bát Tràng. Bà cho biết từ khi còn là con gái bà đã được “huấn luyện” nấu ăn kiểu Hà Nội. Đến lúc lấy chồng, bố mẹ và bố chồng chẳng mấy khi khen món bà nấu nhưng bà không buồn và lấy đó làm động lực để luôn cố gắng nấu ngày càng ngon. Bà say sưa kể cho chúng tôi làm sao nấu được món xôi vò với đỗ cắn chặt gạo, thơm dậy mùi mỡ gà, cả cách chọn nguyên vật liệu, cách nấu. Rồi bà lại tiếp tục với chè đường, chim hầm hạt sen, lươn, canh bóng 12 vị... Nghe bà kể mà chúng tôi như đang cùng bà tham gia vào từng công đoạn nấu được một món ngon tinh tế của Hà Nội. Bà cho biết chỉ nấu cho người quen, một số khách du lịch, và phải gọi điện từ vài ngày trước để bà chuẩn bị nguyên vật liệu thật tươi ngon, đồng quê.

Hầu hết mọi người sang Bát Tràng đều háo hức muốn thử trở thành một người thợ gốm. Sau một bữa trưa nhanh chóng, chúng tôi tìm được một xưởng nặn, vẽ gốm khá đông đúc và vợ chồng chủ xưởng khá thoải mái. Chúng tôi được “cấp” một phần đất để sáng tác. Lúc đầu chúng tôi hăm hở tưởng dễ dàng, nhưng rồi khám phá ra chúng tôi chỉ nhào được những thứ méo mó, thậm tôi muốn uốn một cái cốc nhỏ cũng không xong. Đành nhờ “thợ xịn”. Không phải mỗi tôi, mà đa số người “nghịch đất” đều phải nhờ nếu muốn có 1 tác phẩm mang về. Sau khi có tác phẩm, chủ nhà sẽ “nung” tác phẩm trên bếp than nửa giờ đến 1 giờ cho khô. Sau đó, thú vị là ngồi trải nghiệm tô vẽ. Tác phẩm có thể có lúc một số người giống nhau, nhưng tô vẽ sẽ làm cho tác phẩm riêng có của mỗi người. Tôi thích biển và vẽ biển xanh với nắng vàng rực rỡ, thuyền và chim hải âu. Bạn tôi thích khuôn mặt cười rực rỡ thì tô rực rỡ. Các em nhỏ thì thích tô tượng làm sẵn như đôi hài, quả trứng, lọ hoa nhỏ, hay siêu nhân…

"Tác phẩm" được nung
Cái thú ngồi tô vẽ cho sản phẩm của riêng mình

Mỗi món đồ thành phẩm mang về như vậy cộng giá “nghịch đất” là 30.000 đồng. Đây có lẽ là cái giá không hề đắt cho một trải nghiệm thú vị. Nếu bạn chỉ ngồi tô tượng, giá là 10.000 đồng.

Trong thời gian chờ tác phẩm được nung chúng tôi dạo chợ gốm. Tất cả những thành phẩm của làng đều được bày bán ở đây. Có đến cả trăm cửa hàng bán các loại sản phẩm gốm. Chẳng có ý định mua gì “lịch kịch” như lần trước qua Bát Tràng, lần này chúng tôi chỉ mua những thứ nho nhỏ, xinh xinh vừa để dùng, vừa làm quà như cốc uống nước, những cái vòng đeo cổ, đeo tay, mảnh đất nung treo tường…

Một gian gốm giả cổ trong chợ Gốm Bát Tràng

Tôi có một người bạn họa sỹ làm việc ở Bát Tràng cho tôi một danh sách các xưởng gốm ở Bát Tràng từ gốm sử dụng đất cổ, bát đĩa sứ xuất khẩu, đồ gốm thờ cúng, gốm ghép mảnh trang trí, ấm chén trà đất nâu, gốm giả cổ… nhưng chúng tôi mới đi được hai địa điểm, đành hẹn tiếp tục khám phá Bát Tràng vào lần sau. Và tôi cũng đã hẹn vài người bạn không phải ở Hà Nội để mời họ lang thang làng Gốm Bát Tràng.

Linh@

Tin nổi bật