“Ban mai Tổ quốc”

(ICTPress) - Một buổi chiều, tôi gọi điện cho “sếp” cũ để thông báo có “bài báo của bác in rồi”. Sếp cũng thông báo cho tôi “có quyển thơ bác mới xuất bản, cháu đến bác biếu một cuốn”.

Từ lúc đó đến lúc gặp “sếp”, tôi cứ băn khoăn mãi, cả thời gian tôi công tác dưới quyền “sếp” và mười mấy năm “sếp” về hưu tôi vẫn liên lạc để trao đổi công tác hội nhà báo và làm báo giữa những người làm báo Ngành nhưng chưa bao giờ nghe nói “sếp” làm thơ.

Lật đật chiều hôm sau đi làm về ghé qua nhà sếp và cầm trên tay cuốn thơ rồi mà vẫn thấy ngạc nhiên. Sự ngạc nhiên tiếp tục bởi cái tên “Ban mai Tổ quốc” nghe rất trong trẻo mà hào khí và ấn tượng bởi tờ bìa tập thơ màu xanh tươi sáng.

Tôi cảm ơn và vội đạp xe về nhà để đọc cho thỏa nỗi tò mò. Về đến nhà dựng xe tôi đứng đọc liền một mạch Lời giới thiệu Ký ức - Tổ quốc - Gia đình của nhà thơ Hoàng Trần Cương cho tập thơ của “sếp” rồi những vần thơ và xem những tấm ảnh kỷ niệm.

Lời giới thiệu cho tập thơ “Ban mai Tổ quốc” của nhà thơ Hoàng Trần Cương quá đầy đủ, chi tiết và cũng như “cảm” được nỗi lòng của “nhà thơ” Tùng Hoa - Nguyễn Ngô Hồng. Tôi xin trích lời giới thiệu ấy dưới đây để chia sẻ cùng bạn đọc:

Bố cục của tập thơ “Ban mai Tổ quốc” như là một phiên bản mang đậm tính cách tác giả của nó. Phân minh và dĩ nhiên không phải không chừa lại những khoảng ảo mờ. Sự rành rẽ, minh bạch có lẽ là hồn cốt của tập thơ này. Và cũng rõ nét không kém, cái phần không hiển hiện thành câu chữ, lại được pha chen như một niềm lay thức của những chấm lặng, cất dấu không chỉ một mình bầu trời ban mai. Và hình như đâu đó còn tờ mờ những giọt nước mang vị mặn của nước mắt nhà thơ.

Trải dài suốt tập thơ chứa đựng 29 bài với nhiều gam cảm xúc của Tùng Hoa là bóng hình Tổ quốc và Gia đình. Có 15 bài khắc họa hình đất nước trong một thời gian lao và quật cường. Có 14 bài in đậm bóng gia đình với những đường nét vừa thân thương vừa tiếc nuối, đọc lên là tự dưng muốn khóc. Theo tập thơ này, bài đầu tiên được tác giả sáng tác từ năm 1958 (bài: Anh không chết). Bài mới nhất là năm 2009 (bài: Tôi thề trước cờ Đảng). Gói cả 51 năm vào trong 29 bài thơ.

“Sáng sáng tôi đi mặt trời chưa dậy

Ban mai Tổ quốc lộng lẫy sương đêm”.

Hai câu thơ mờ đầu bài “Ban mai Tổ quốc” và cũng được tác giả chọn đặt tên cho tập thơ, ra đời từ tháng 10 năm 1969 cứ như một linh cảm tốt lành nhưng sao cũng thấm đẫm nỗi nhọc nhằn của vận mệnh quốc gia. Chúng ta phải vật vã, phải bươn bả “đi” khi “mặt trời, chưa dậy”. Mặt trời chưa dậy thì “Ban mai Tổ quốc” dù có “lộng lẫy đến mấy” cũng còn chìm trong sương đêm. Và bởi thế, chúng ta phải đi để chào đón và đem về “Ban mai Tổ quốc. Những thi ảnh vừa hành tráng mà cũng thật tự nhiên và tự tin. Và có lẽ, bật sáng nhất trên khuôn hình Tổ quốc trong những thời khắc đau thương là nỗi niềm của tác giả khi cúi đầu kính viếng anh linh Bác Hồ:

“Sáng nay đau tiễn Bác đi

Những mong con được chết thay người”.

Bài “Con tiễn Bác đi” không thể nói thêm một lời nào cả. Hãy để nước mắt tự do rơi. Phần Một tập thơ, có phụ đề “Tổ quốc và Bác Hồ”. Ở đây, qua mỗi bài thơ, ta như đang được lần dở từng lý lịch - công dân của người viết. Ở đó, có sự giao hòa ràng buộc giữa con với mẹ, có tiếng hân hoan ngợi ca “Mười một cô gái Huế:

“Tóc chấm ngang vai khoác sung lên đường

Cùng núi Ngự, sông Hương đánh Mỹ”.

Trong phần Hai của tập thơ “Ban mai Tổ quốc”, Tùng Hoa đặc biệt chú tâm đến mảng Tình yêu và Gia đình. Có ai đó nói: “Gia đình là tổ ấm”. Nhưng với những chùm thơ rợp bóng mát gia đình, náu thân thiêm thiếp trong hình bóng ba má, anh chị em, vợ con và cháu chắt hình như Tùng Hoa còn muốn một điều gì lớn lao và sâu xa hơn thế nữa.

Tập thơ được ra đời nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của tác giả, với giọng nói sang sảng, đi lại vẫn nhanh nhẹn, tâm thế sảng khoái, tôi mong nhà thơ Tùng Hoa, “sếp” cũ sẽ vẫn luôn nóng hôi hổi như miền thơ “Ban mai Tổ quốc”.

LP

Tin nổi bật