Đề xuất số hóa truyền hình vệ tinh cho miền núi, hải đảo

(ICTPress) - Đề án số hóa truyền hình Việt Nam giai đoạn 2013 - 2015 đã hoàn thành. Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT được giao bổ sung, sửa đổi nội dung Dự thảo Kế hoạch triển khai số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình giai đoạn 2016 - 2018.

Ảnh minh họa

Để chuẩn bị cho công tác triển khai số hóa giai đoạn 2, một trong những công tác được Cục Tần số Vô tuyến điện đề xuất cần nghiên cứu, xác định vùng số hóa mặt đất và vùng chuyển từ mặt đất sang truyền hình qua vệ tinh.

Tại Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền Việt Nam, Ban Chỉ đạo đã đồng ý nguyên tắc kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất (DTT) và truyền hình số qua vệ tinh (DTH) để đảm bảo tiến độ và hiệu quả phủ sóng đối với các địa bàn thuộc miền núi và hải đảo.

Trong giai đoạn tiếp theo, khi số hóa truyền hình được triển khai đối với các tỉnh có nhiều địa bàn trung du, đồi núi, hải đảo, việc thực hiện số hóa bằng cách kết hợp phủ sóng truyền hình mặt đất và truyền hình số vệ tinh cần được xem xét để có giải pháp đảm bảo tiến độ và hiệu quả của quá trình số hóa truyền hình.

Theo Cục Tần số VTĐ cho biết tại Phiên họp lần thứ 10 Ban chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam ngày 1/4/2016, tại nhiều khu vực, việc đầu tư và duy trì hệ thống phát lại truyền hình tương tự mặt đất cho vùng sâu, vùng xa không hiệu quả nên một số địa phương đã có sự điều chỉnh theo hướng không duy trì các trạm phát lại truyền hình không hiệu quả. Ví dụ như vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề án tổ chức, sắp xếp lại, giải thể các trạm phát lại phát thanh truyền hình trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định chấm dứt 12 trạm phát lại đang hoạt động kém hiệu quả tại các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Nghệ An.

Cũng theo Cục Tần số VTĐ, hiện nay, hầu hết các tỉnh đã phát sóng kênh quảng bá truyền hình địa phương qua vệ tinh Vinasat. Năm 2015, Sở TT&TT Hà Giang đã có công văn đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ việc thu xem truyền hình qua vệ tinh Vinasat.

Theo thông tin tham khảo số liệu về tỷ lệ thu xem truyền hình qua các phương thức khác nhau của Công ty TNS Media, tỷ lệ thu xem truyền hình tương tự mặt đất còn khoảng 20%, giảm khá lớn so với các năm trước; tỷ lệ thu xe truyền hình qua vệ tinh DTH và phương thức khác đã tăng lên đáng kể, khoảng 36%. Từ số liệu này, cho thấy các hộ gia đình đã chuyển sang sử dụng truyền hình qua vệ tinh là lớn.

Theo đó, Cục Tần số VTĐ cũng kiến nghị các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất khẩn trương triển khai phủ sóng số, đảm bảo diện phủ sóng truyền hình số bao trùm vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất của các Đài phát sóng chính tại các địa phương thuộc nhóm II ít nhất trước 6 tháng so với thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự tại các địa phương này.

Cục Tần số VTĐ cũng cho biết thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất tại các vùng đồng bằng và ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất các tỉnh thuộc nhóm 2 theo kế hoạch.

Theo đó, việc hỗ trợ đầu thu hộ nghèo, cận nghèo, theo thống kê của Cục Tần số VTĐ tại một số địa bàn thuộc nhóm II cần xem để thu truyền hình số vệ tinh bao gồm: Hải Dương (Thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn), Thái Nguyên (các huyện Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ), Hà Nam (các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm), Ninh Bình (các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Tam Điệp, Hoa Lư), Bắc Giang (các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam), Phú Thọ (các huyện Hạ Hòa, Sông Thao, Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Sơn), Đồng Nai (các huyện Xuân Lộc, Tân Phú), Quảng Ninh (TP. Uông Bí, Thị xã Đông Triều, các huyện Hoành Bồ, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái), Khánh Hòa (Các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm), Bà Rịa Vũng Tàu (các huyện Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc), Ninh Thuận (các huyện Bắc Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước), Bình Thuận (các huyện Tánh Linh, Hàm Tân, thị xã Lagi).

Về việc chuẩn bị triển khai số hóa ở giai đoạn 2, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đề nghị một số công việc cần tập trung. Đó là việc kết hợp số hóa qua vệ tinh nối cho một số địa bàn tỉnh miền núi thuộc nhóm 2 và hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhất trí với đề xuất của Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo do Tần số VTĐ đại diện là kết hợp số hóa truyền hình qua vệ tinh ở một số tỉnh thuộc nhóm 2. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị Cục Tần số VTĐ chủ trì và làm sớm phối hợp các đơn vị liên quan lấy ý kiến, đề xuất điều chuyển một số tỉnh thuộc nhóm 2 sang nhóm 3. Cục Tần số VTĐ, VTV phối hợp với Cục PTTH&TTĐT và các đơn vị SDTV, VTC nghiên cứu xác định một số địa phương thực hiện truyền hình số mặt đất bằng truyền hình mặt đất sang vệ tinh. Cục Tần số VTĐ làm một số làm công văn gửi các tỉnh, thành phố đề nghị báo cáo về hiệu quả phát lại vệ tinh thì mới đề xuất phát truyền hình mặt đất. Từ đó, đề xuất vùng số hóa bằng truyền hình mặt đất và vệ tinh ở từng địa bàn.

Trên cơ sở nghiên cứu các địa xuất của địa phương, Viện chiến lược TT&TT được yêu cầu báo cáo Ban chỉ đạo về các địa phương thực hiện số hóa bằng phương thức truyền hình vệ tinh.

Theo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, việc tắt sóng analog trên cả nước được chia thành 4 giai đoạn.

Giai đoạn 1 thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội (cũ), TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Giai đoạn 2 sẽ tiến hành số hóa tại 26 tỉnh thuộc nhóm 2, bao gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiềng Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang. 

Giai đoạn 3 ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 18 tỉnh thuộc nhóm 3, bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Giai đoạn 4 ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh còn lại thuộc nhóm 4 bao gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông vào năm 2020.

 HM

Tin nổi bật