Số tác phẩm dự Giải báo chí Quốc gia năm 2017 nhiều nhất từ trước đến nay

(ICTPress) - Đây là thông tin được ông Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam, Thường trực Hội đồng Giải báo chí quốc gia cho biết tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác hội, thi đua, khen thưởng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 vừa được Hội nhà báo Việt Nam tổ chức tại Nghệ An.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao giải A cho các tác giả đoạt giải Giải báo chí quốc gia lần thứ XI - năm 2016 (Ảnh: nguoilambao.vn)

Cụ thể, tổng số tác phẩm tham dự Giải báo chí quốc gia lần thứ XII - năm 2017 là 1852 tác phẩm, nhiều nhất từ trước đến nay. Giải báo chí quốc gia lần thứ XII - năm 2016 có 1636 tác phẩm, năm 2015 có 1630 tác phẩm, năm 2014 có 1462 tác phẩm dự thi. Đặc biệt, lần đầu tiên có 63/63 Hội nhà báo cấp tỉnh, thành phố tham dự. Năm 2016 và 2015 có 3 Hội nhà báo tỉnh không tham dự. Giải báo chí năm nay cũng có 15/18 Liên chi hội tham dự.

Theo ông Trần Bá Dũng, nhìn chung các cấp Hội thực hiện có nền nếp sau hơn 10 năm thực hiện Giải báo chí quốc gia. Tuy nhiên, một số cấp Hội còn gửi tác phẩm trùng lặp và năm nay vẫn còn hơn 100 tác phẩm phạm quy.

Cũng tại Hội nghị, ông Trần Bá Dung đã cho biết một số kế quả thực hiện Đề án hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương và địa phương năm 2017, Giải báo chí quốc gia năm 2017.

Công tác hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương đã được Chính phủ quan tâm từ nhiều năm nay với hình thức hỗ trợ theo Đề án, Chính phủ đặt hàng tác phẩm, đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Đề án hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng giai đoạn: Giai đoạn 2006 – 2010 (Quyết định 926/QĐ-TTg ngày 6/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ - Đề án 926); Giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định 369/QĐ-TTg ngày 14/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ - Đề án 369); Giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định 650/QĐ-TTg ngày 14/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ - Đề án 650). Trước năm 2005, Nhà nước có đầu tư cho công tác này nhưng quy mô nhỏ và phê duyệt từng năm.

Ông Trần Bá Dung cho biết Đề án thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Đảng, Chính phủ đối với sự nghiệp đổi mới báo chí cả nước nói chung, đối với hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao của các cấp hội nói riêng, tạo diện mạo mới cho nền báo chí nước ta trong thời kỳ hội nhập đổi mới, phát triển. “Việc triển khai thực hiện Đề án trên cả nước đã tạo thêm một nguồn lực mới, động lực mới cho báo chí và đã đạt được nhiều kết quả tốt”.

LP

Tin nổi bật