Gặp gỡ Fidel - đặc ân của cuộc đời làm báo

Nhà báo Tiến Phú, nguyên PV Đài PTTH Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã được đi công tác (tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, được dự các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, hội đàm giữa nguyên thủ của nước ta với các vị nguyên thủ nước ngoài. Nhưng với riêng cá nhân tôi được gặp gỡ nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro như là một đặc ân mà cuộc đời làm báo đã ban tặng cho riêng cá nhân tôi”. Trước tin nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước Cuba từ trần, nhà báo Tiến Phú đã gửi tới Nhà báo & Công luận bài viết đầy những hoài niệm xúc động về chuyến đi tác nghiệp tới Cuba năm 2002, chuyến đi ông đã có cơ may được gặp gỡ Fidel.

Tháng 1 /2012 trước hôm đi công tác cùng đoàn của Thủ tướng, vợ tôi dặn: nếu sang được Cuba thì cố gắng được đứng cạnh Fidel để chụp ảnh, vì được nhìn thấy Fidel bằng da bằng thịt đâu có dễ. Cũng vợ tôi kể lại: Năm 1973 khi đó nước ta còn chìm trong chiến tranh ác liệt, Fidel đã sang thăm Việt Nam. Biết Fidel sẽ đi từ sân bay Gia Lâm vào Hà Nội, vợ tôi cùng bà con Hàng Ngang, Hàng Đào dậy rất sớm tập hợp từ đầu cầu Long Biên để đón chào Fidel, chờ cả mấy tiếng đồng hồ mới được vẫy cờ hoa chào đón một huyền thoại đến từ bên kia bán cầu, chỉ vài tích tắc thôi cũng cảm thấy tự hào lắm rồi.

Nhà báo Tiến Phú (ngoài cùng bên trái) trong lần gặp gỡ lãnh tụ Fidel Castro. Ảnh: TL

Là một trong bốn nhà báo Việt Nam được xét và cho phép tiếp cận Fidel, với tôi đó là một cơ may, một đặc ân. Bởi ai cũng biết không dễ gì được gần Fidel. Con số gần 700 lần kẻ thù âm mưu ám sát ông đã khiến nhà lãnh đạo Cuba luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Tôi cùng 3 nhà quay phim của Truyền hình Việt Nam- Hãng phim tài liệu Trung ương và phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam được đứng ngay cổng vào Cung Cách mạng- nơi diễn ra lễ đón chính thức Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn cấp cao Chính phủ ta. Chúng tôi phải đến trước 2 giờ đồng hồ đưa máy móc vào kiểm tra an ninh rồi theo hướng dẫn của các nhân viên an ninh đến từng vị trí. Anh Lê Duy Truyền- Trưởng phân xã tại Cuba nay là Phó TGĐ Thông tấn xã Việt Nam cho biết: “Bạn chỉ ở vị trí nào là đứng nguyên vị trí đó, không được đi lại, có 2 trường hợp phóng viên của AP và CNN ôm máy quay lao lên phía trước mà bị gạt ngã, máy vỡ tan tành”. Nên chúng tôi cũng “rét”.

Rồi Fidel bằng da bằng thịt hồng hào hiện ra ngay trước mặt tôi. Tất cả mọi người đều bấm máy, Fidel giơ tay chào trước khi mọi người kịp chào ông. Bỗng nghe tiếng rè rè của máy quay phim nhựa, Fidel đến gần anh Cao Thành Đức-phóng viên quay phim của hãng phim Thời sự Tài liệu khoa học Trung ương. Ông hỏi:“Máy quay phim gì mà kêu như tiếng máy bay vậy?”. Các phóng viên bạn thay anh Cao Thành Đức trả lời: “Đây là máy quay phim nhựa, chất lượng hình ảnh rất tốt”. Fidel lại nói: “Tôi thấy máy này từ thời Đức quốc xã, nhưng không sao miễn là nó tốt”. Mọi người cười vui.

Lúc Thủ tướng Phan Văn Khải bước vào, Fidel giơ tay chào kiểu nhà binh, rồi ông ôm Thủ tướng, khoác vai Thủ tướng ta nói chuyện như người anh em lâu ngày mới gặp lại nhau. Quả thật Fidel đã già đi nhiều ở tuổi 76, ông đã đi chậm hơn, mắt không còn vẻ tinh nhanh như trước nữa, nhưng ở ông vẫn toát lên sức hút, sức quyến rũ đến vô cùng. Tôi đã được nghe nhiều giai thoại về ông, về tài diễn thuyết của ông. Trước hàng triệu người, hàng giờ đồng hồ, Fidel nói chuyện và diễn thuyết mà vẫn hùng biện, lập luận chắc chắn, không hề lặp lại khi tiếp các nhà báo Việt Nam. Ngay sảnh lớn ở cung Cách mạng, 20 nhà báo Việt Nam trong đoàn quây quần bên Fidel “thi” nhau đặt câu hỏi, “thi” nhau phỏng vấn Fidel, thấy vậy ông rất vui và nói: “Tôi có 20 người chỉ huy, vậy thì tôi biết nghe ai, có thân tôi đây các đồng chí muốn làm gì thì làm”.

Fidel đứng đây trước thềm Cung cách mạng, giữa Lahabana đầy nắng và gió, mặt ông ngẩng cao, vẫn hai tay chém mạnh về phía trước. Tôi cảm nhận ra sự vĩ đại của một huyền thoại sống từ những điều vô cùng dản dị, ông ôm các phóng viên Việt Nam, vỗ vỗ vào vai họ, khi đoàn Hàng không Việt Nam vào chào, ông hỏi Nguyễn Thành Trung- người anh hùng ném bom vào Dinh Độc lập năm nào-: “Bây giờ đồng chí lái máy bay to rồi, đừng ném bom ở đâu nữa nhé”, mọi người cười vui. Ông lại nói tiếp: “Có một ngày nào đó tôi trở lại thăm Việt Nam bằng máy bay Boeing của Việt Nam”. Chúng tôi ai cũng trào lên cảm xúc, nước bạn còn nghèo đâu mua được máy bay to hiện đại, cũng vì bận nhiều công việc mà Fidel chưa thăm lại Việt Nam để đáp lại lòng mong đợi của nhân dân Việt Nam.

Khi các nhà báo Việt Nam xin ông đánh giá về mối quan hệ hữu nghị Việt Nam- Cuba và chuyến đi thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải, Fidel vung hai tay chém mạnh về phía trước: “Tôi đánh giá đây là mối quan hệ tốt nhất thế giới”. Chao ôi, một câu nói khái quát chứa đựng cả ruột gan, tấm lòng máu xương của cả hai dân tộc, trong khổ đau mất mát vẫn có nhau. Tôi chợt nhớ đến câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Khi Việt Nam ngủ thì Cuba thức”. Đang quay phim ghi phỏng vấn Fidel mà mắt tôi nhòe đi….

Lúc đoàn rời Cuba lên đường về nước là 22 giờ đêm Lahabana ngày 30/10 (tức 10 giờ sáng 31/10 ở Hà Nội), Fidel xuất hiện ở chân cầu thang máy bay, ông ôm rồi bắt tay, vẫy chào Thủ tướng Phan Văn Khải. Một lần nữa Fidel lại dành cho những người bạn Việt Nam một ngoại lệ. Vì những nguyên tắc bảo vệ ông, vì sức khỏe của ông, rất hiếm khi Fidel xuất hiện ở sân bay lúc nửa đêm. Bóng ông cao lồng lộng, ông đi rồi mà tôi như vẫn thấy ông đứng đó, với bộ quân phục màu xanh ô liu, với bàn tay vẫy mãi, vẫy mãi như không dừng. Tôi càng thấu hiểu câu nói rồi sẽ đi vào bất hủ như câu nói: “Vì Việt Nam Cuba hiến dâng cả máu của mình” của ông ngày nào… Những tình cảm của Fidel dành cho Việt Nam, cho Thủ tướng Phan Văn Khải quả thật đáng được coi là “đặc biệt nhất thế giới”.

Suốt cuộc đời làm báo của mình, tôi luôn nghĩ: sẽ giấu kín cho riêng mình những kỷ niệm đẹp về Cuba, về Fidel. Nhưng hôm nay tôi nghĩ, mình phải có trách nhiệm kể lại những ấn tượng sâu sắc về Cuba, về Fidel, thành kính chia sẻ cùng bạn đọc thân yêu.

Nguồn: Tiến Phú (Nguyên PV Đài PTTH Hà Nội)/congluan.vn

Tin nổi bật