247 thí sinh từ 47 tỉnh, thành dự Hội thi Tin học trẻ toàn quốc 2016

(ICTPress) - Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2016 là Hội thi lần thứ XXII được tổ chức.

Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần XXII, năm 2016 đã có 47 tỉnh, thành đăng ký tham dự với 247 thí sinh, các em đã vượt qua hàng trăm nghìn thí sinh dự thi cấp tỉnh để về tham dự Hội thi toàn quốc.

Hội thi Tin học trẻ tỉnh Hậu Giang năm 2016 được tổ chức tháng 6/2016 (Ảnh: tinhoctre.info)

Theo đó, các thí sinh được chia theo các bảng, trong đó: Bảng A (Học sinh Tiểu học): 51 thí sinh; Bảng B (Học sinh THCS): 51 thí sinh; Bảng C (Học sinh THPT): 85 thí sinh; Bảng D: 26 thí sinh, trong đó: Bảng D2 (học sinh THCS): 12 thí sinh, bảng D3 (học sinh THPT): 14 thí sinh; Bảng E: 36 thí sinh, trong đó: Bảng E2 (học sinh THCS): 20 thí sinh, bảng E3 (học sinh THPT): 16 thí sinh.

Trong số 247 thí sinh có 204 nam, 43 nữ; 01 thí sinh nhỏ tuổi nhất  là em Trần Việt Hà, học sinh lớp 3, tỉnh Bạc Liê); 03 thí sinh là người dân tộc thiểu số (Hoa, Nùng, Xơ đăng); có 211 thí sinh dự thi lần đầu, 27 thí sinh dự thi lần thứ hai, 09 thí sinh dự thi lần thứ ba và 02 thí sinh dự thi 02 bảng.

Ban Tổ chức cho biết Hội thi đã nhận được 105 sản phẩm sáng tạo (bảng D và bảng E) đăng ký dự thi của 17 đơn vị, trong đó có 38 sản phẩm bảng D2; 35 sản phẩm bảng D3; 16 sản phẩm bảng E2 và 16 sản phẩm bảng E3. Ban chấm Sơ khảo đã chọn 35 sản phẩm xuất sắc nhất (bảng D2: 07, bảng D3: 08, bảng E2:10, bảng E3: 10) để tham dự vòng chung khảo Hội thi toàn quốc.

Năm 2016, Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXII sẽ được tổ chức từ ngày 06-08/8/2016 tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với 03 phần thi: Kỹ năng (bảng A, B, C), Phần mềm sáng tạo (bảng D2, D3) và Lập trình phần cứng (bảng E2, E3).

Đánh giá chung về các sản phẩm dự thi bảng D và bảng E, Ban Tổ chức cho biết số lượng sản phẩm dự thi tăng hơn năm trước 05 sản phẩm với các chủ đề đa dạng, phong phú. Các công nghệ được sử dụng trong các sản phẩm dự thi khá đa dạng và cập nhật. Các công nghệ hỗ trợ lập trình nhúng và lập trình trên các thiết bị di động theo xu hướng công nghệ hiện nay cũng được nhiều thí sinh sử dụng.

Có nhiều sản phẩm dự thi tốt, sáng tạo và có ý nghĩa thực tiễn cao. Chất lượng các sản phẩm tốt hơn nhiều so với các năm trước, đặc biệt là bảng E.

Những điểm mới của Hội thi năm 2016

Năm nay, phần thi kỹ năng đối với học sinh cấp Trung học phổ thông (bảng C), hình thức thi tương tự cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC (ACM International Collegiate Programming Contest), mỗi đội có tối đa 02 thí sinh sử dụng 01 máy  tính do Ban Tổ chức chuẩn bị hoặc thí sinh tự mang theo để giải bài toán liên quan tới thực tế với chủ đề “Quy hoạch đô thị”.

Theo đó, thí sinh bảng C sẽ được tự do sử dụng các công cụ, tài nguyên có sẵn trong máy tính để giải bài toán; đồng thời công tác tổ chức rút ngắn được 01 buổi chiều đối với thí sinh của tất cả các bảng dự thi cũng như giảm thiểu công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho Hội thi.

Theo báo cáo, số lượng thí sinh dự thi ở một số tỉnh, thành phố tăng hơn các năm trước, điển hình như: Đà Nẵng (664 thí sinh), Hà Nội (385 thí sinh), Thừa Thiên - Huế (371 thí sinh), Tiền Giang (350 thí sinh), Bình Thuận (268 thí sinh), Long An (161 thí sinh), Lâm Đồng (298 thí sinh), Ninh Thuận (83 thí sinh),...

Một số tỉnh, thành phố tiến hành tổ chức Hội thi cấp huyện, điển hình như: TP. Hồ Chí Minh (sơ loại trực tuyến trước khi tổ chức thi cấp quận, huyện), Hà Nội, Nghệ An, Hải Dương, Bắc Ninh,… Nội dung thi phần mềm sáng tạo (PMST) tiếp tục được các tỉnh, thành phố triển khai hiệu quả, điển hình như: Đà Nẵng (158 PMST), Hà Nội (46 PMST), TP. Hồ Chí Minh (40 PMST), Hậu Giang (28 PMST) với nhiều phần mềm sử dụng công nghệ mới và có khả năng phát triển, ứng dụng vào thực tế,… Nội dung thi lập trình phần cứng được một số tỉnh, thành lần đầu tiên triển khai ở Hội thi địa phương năm nay như Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng,…

Ban Tổ chức cho biết công tác tổ chức Hội thi của các tỉnh, thành phố nghiêm túc, chặt chẽ, thực hiện đúng theo Thể lệ, cơ bản đảm bảo đúng tiến độ như: Hà Nội, Hải Dương, Sơn La, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, An Giang, Lâm Đồng, Đắk Nông, Tiền Giang, Cần Thơ, Bắc Kạn,... Một số địa phương đã chủ động bố trí nguồn lực để tổ chức Hội thi Tin học trẻ cùng với Hội thi Tin học khối cán bộ, công chức trẻ như: Sơn La, Tiền Giang, Bắc Ninh, Quảng Bình, Phú Yên, Gia Lai.

Trong công tác phối hợp, hầu hết các tỉnh, thành Đoàn đã chủ động phối hợp với các sở, ngành như: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình, Hội Tin học,... để triển khai tổ chức tốt Hội thi tại địa phương.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều tỉnh do thiếu kinh phí, cơ sở vật chất, hoặc phải tập trung nguồn lực cho các hoạt động trọng tâm khác nên không tổ chức được Hội thi như: Sóc Trăng, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Bình Phước,...

Hội thi Tin học trẻ toàn quốc do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam phối hợp tổ chức từ năm 1995. Hội thi là cuộc thi tài có quy mô lớn nhất và truyền thống lâu năm nhất trong lĩnh vực tin học cho thanh thiếu nhi, nhằm tạo ra phong trào học tập, ứng dụng công nghệ thông tin một cách rộng rãi trong thanh thiếu nhi cả nước, góp phần thiết thực vào việc phát triển nguồn nhân lực, nhân tài trẻ cho đất nước.

QA

Tin nổi bật